Hủy

Ghế ngoại tại ngân hàng quốc doanh

Việt Dũng Thứ Ba | 09/01/2018 14:30

Nhân sự ngoại xuất hiện ở các ngân hàng thương mại tư nhân là chuyện bình thường, nhưng lại hoàn toàn mới mẻ với các ngân hàng quốc doanh.
 

Chưa rõ luồng gió mới này sẽ mang đến kết quả kinh doanh ra sao, nhưng tư duy của các ngân hàng được cho là bảo thủ nay đã cởi mở hơn nhiều trong bối cảnh Việt Nam hội nhập sâu rộng với toàn cầu.

Hồi tháng 10.2017, Vietcombank bổ nhiệm nhân sự người nước ngoài đầu tiên. Theo đó, ông Thomas William Tobin, Giám đốc phụ trách khu vực Bắc Á của tổ chức thẻ quốc tế Visa, giữ chức vụ Giám đốc Khối bán lẻ Vietcombank.

Ông Thomas William Tobin không hề xa lạ với thị trường tài chính Việt Nam. Với vai trò Tổng Giám đốc HSBC tại Việt Nam từ năm 2006, ông đã đưa HSBC trở thành ngân hàng nước ngoài đầu tiên thành lập ngân hàng con tại Việt Nam, đi vào hoạt động từ năm 2009. Đến năm 2011, ông về với tổ chức thẻ Visa và nhường chiếc ghế lại cho ông Sumit Dutta, trước đó là Giám đốc Khối Dịch vụ tài chính cá nhân ở Techcombank. 

Có thể thấy chiếc ghế lãnh đạo cấp cao gần như xoay vòng quanh ngành ngân hàng, nhưng một thay đổi đáng kể là cuộc chơi đã có thêm sự góp mặt của nhóm ngân hàng nhà nước, vốn được cho là chưa linh hoạt và cởi mở như nhóm ngân hàng tư nhân. 

Ngay trong nhóm ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước, mới chỉ có Vietcombank sử dụng nhân sự nước ngoài. Ở BIDV và VietinBank vẫn chưa xuất hiện nhân tố nước ngoài mới. Thực ra, thuê người thì dễ, thay đổi tầm nhìn mới khó. Có thể vì đâu đó vẫn còn rào cản về tư duy, hoặc chỉ là chưa đúng thời điểm. 

Trong nhóm này, BIDV có vẻ chậm chạp hơn. Ngân hàng cũng chưa bán cổ phần cho khối ngoại. Gần đây BIDV đang biến động nhân sự cấp cao khi chiếc ghế Chủ tịch Hội đồng Quản trị vẫn còn trống. Mới đây, ông Phạm Quang Tùng, Chủ tịch Ngân hàng Phát triển Việt Nam (một ngân hàng tập trung cho vay theo chính sách) được đưa về BIDV và chưa rõ vị trí. 

Một điểm chung là sức bật của BIDV lẫn VietinBank có phần “lép vế” so với ngân hàng đồng liêu Vietcombank, cụ thể hóa bằng những con số kinh doanh gần đây. Trong 9 tháng đầu năm 2017, mặc dù tốc độ tăng trưởng thu nhập lãi thuần của BIDV tăng đáng kể (37,7% so với 18,4% của Vietcombank và 15,8% của VietinBank), nhưng lợi nhuận sau thuế của BIDV lại tăng trưởng âm, vì trích lập dự phòng rủi ro tăng đáng kể. Quy mô nợ xấu (nhóm 3 đến nhóm 5) tăng 19,5% so với cuối năm ngoái. 

Dù chưa có điểm nhấn nhân sự mới, nhưng điểm chung ở cả 3 ngân hàng này là thay đổi tư duy từ thế mạnh bán buôn sang tiến công bán lẻ. Dấn sâu vào ngân hàng bán lẻ đang là trào lưu thời thượng, như hãng tư vấn PwC nhận định sẽ là một trong 5 lĩnh vực tăng trưởng nóng trong thời gian tới đây.

Ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Vietcombank, cho rằng nhân sự cấp cao sẽ là điểm mấu chốt và tiền đề trên con đường trở thành ngân hàng số 1 về bán lẻ. “Việc Vietcombank tuyển dụng và bổ nhiệm một nhân sự là người nước ngoài có trình độ, kinh nghiệm, am hiểu thị trường Việt Nam, khu vực và thế giới vào vị trí Giám đốc Khối bán lẻ thể hiện quyết tâm của Vietcombank trở thành ngân hàng số 1 về bán lẻ tại Việt Nam vào năm 2020”, thông cáo của Vietcombank cho hay.

Cuộc đua bán lẻ giữa nhóm ngân hàng thương mại nhà nước cũng trở nên khốc liệt hơn nhiều trong bối cảnh cạnh tranh với các ngân hàng tư nhân, vốn cũng sử dụng nhân lực nước ngoài. Chẳng hạn, trong Ban điều hành của VPBank hiện có 2 phó tổng giám đốc là ông Fung Kai Jin, kiêm phụ trách khối khách hàng doanh nghiệp nhỏ và ông Kiran Babu Kosaraju (bổ nhiệm vào tháng 11.2017) phụ trách mảng tín dụng tiểu thương. Đây cũng là 2 mảng chiến lược mà VPBank nhắm đến trong thời gian tới, bên cạnh mảng tín dụng tiêu dùng được dẫn dắt bởi ông Kalidas Ghose. 

Ghe ngoai tai ngan hang quoc doanh
 

Trong khi đó, ở VIB, ông Loic Faussier hiện là Phó Tổng Giám đốc kiêm Giám đốc Khối Quản trị rủi ro VIB đã gia nhập ngân hàng từ tháng 7.2012 đến nay. Nhân sự ngân hàng này cũng dự kiến có nhiều biến động trong thời gian tới sau khi mua lại chi nhánh TP.HCM của Commonwealth Bank of Australia.

Ngày càng nhiều doanh nghiệp mời lãnh đạo cao cấp về giữ những chiếc ghế quan trọng trong bộ máy, đa dạng vị trí từ tài chính cho đến phát triển kinh doanh. Họ kỳ vọng các chuyên gia này mang đến bề dày kinh nghiệm làm việc trong các tổ chức đa quốc gia, phong cách quản lý, làm việc và thậm chí là cả việc xây dựng các nền tảng, quy trình hoạt động và kiểm soát. Theo đại diện của một ngân hàng tư nhân có quy mô lớn, một đội ngũ nhân sự đáp ứng được yêu cầu tăng trưởng là sự kết hợp giữa nhân sự bản địa có năng lực giỏi, am hiểu thị trường cùng các nhân sự ngoại có trình độ kiến thức và kinh nghiệm tốt đến từ các tổ chức lớn trên thế giới. 

Thế nên, yếu tố ngoại xuất hiện nhiều hơn là điều bình thường trong giai đoạn mở cửa khi Việt Nam đã giao thương nhiều hơn với quốc tế. Thêm nữa, sự tăng trưởng của thị trường tài chính đòi hỏi nhân sự có năng lực cấp cao mà nền giáo dục Việt Nam khó có thể cung cấp ngay được trong buổi đầu mở cửa.

Ông Phạm Hồng Hải, Tổng Giám đốc HSBC Việt Nam, cho rằng các ngân hàng nội địa ngày nay cần những nhân sự giàu kinh nghiệm để thúc đẩy tham vọng kinh doanh. “Chúng ta đang chứng kiến các ngân hàng nội địa tích cực thu hút nhân sự chất lượng cao, trong đó có những người có nhiều kinh nghiệm quốc tế. Mục đích chính là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tận dụng nguồn nhân lực quốc tế để phát triển các sản phẩm và dịch vụ chuyên sâu, phức tạp”, ông Hải nhận định. 

Không có minh chứng nào cho thấy người nước ngoài sẽ làm việc hiệu quả hơn người trong nước, mà quan trọng là yếu tố phù hợp với tổ chức. Điều này có thể thấy rõ ở trường hợp HSBC Việt Nam với ông Hải, vốn là người Việt đầu tiên giữ vai trò cao nhất ở một tổ chức tài chính quốc tế. Điều mà HSBC cần ở thị trường Việt Nam là một người am hiểu tình hình nội địa. 

Thực tế, cũng có cuộc đua nhân sự ngoại ở các ngân hàng thương mại tư nhân, nhưng không phải khi nào cũng thành công, vì nhiều lý do khác nhau. Có ngân hàng thuê CEO ngoại nhưng rồi bị sáp nhập vào ngân hàng khác, như trường hợp Mekong Bank. Hay Techcombank nhiều năm liền thuê CEO ngoại nay đã đổi “gu”.

Nhưng dù thất bại hay thành công, điều tích cực với các ngân hàng là thu thập được kinh nghiệm quý báu cho mình trong bối cảnh hội nhập. Học hỏi và tích lũy kinh nghiệm từ nhân sự quốc tế cũng là cách đi nhanh để tiếp cận  những tiêu chuẩn và công nghệ mới trong lĩnh vực tài chính


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới