Hủy
Chuyên đề

Ghế nóng Sabeco đã trong tay người Thái

Hồ Điệp Thứ Ba | 31/07/2018 08:30

Người của tỉ phú Thái Charoen Sirivadhanabhakdi đã kiểm soát phần lớn Sabeco và bắt đầu thực hiện những tính toán riêng của mình.
 

Ngày 21.7, Sabeco chính thức thông qua dàn nhân sự lãnh đạo cao cấp. Giờ đây, Hội đồng Quản trị của Sabeco chính thức có 4 thành viên là bên đại diện quyền lợi cho Công ty Vietnam Beverage.

Sự việc này được xem là tiền đề quan trọng để Vietnam Beverage, công ty do tỉ phú Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi sở hữu gián tiếp, thiết lập dấu ấn vận hành với thị trường bia Việt. Sau thương vụ Sabeco, áp lực trả nợ vay của người Thái là không nhỏ, buộc ThaiBev phải tăng trưởng doanh thu bán bia. Điều ấy khiến người ta liên tưởng đến viễn cảnh người Việt “phải” uống bia nhiều hơn, để phần nào gánh áp lực nợ vay cho ThaiBev. 

Kỷ lục người Việt uống bia nhiều đã được xác lập nhưng tiêu thụ loại bia nào mới là điều tỉ phú Thái quan tâm khi dốc tiền tỉ mua thương hiệu bia Việt và phải dàn xếp các khoản vay nợ.

ÁP LỰC LÃI VAY
Từ đầu năm đến nay, giá cổ phiếu SAB của Sabeco đã giảm gần 20%. Còn nếu tính từ mức giá đỉnh 335.000 đồng/cổ phiếu, SAB đã mất hơn 40%. Cổ phiếu SAB giảm làm gia tăng những ý kiến về tính hiệu quả của doanh nghiệp nhà nước sau thoái vốn, dù ThaiBev quyết định đưa ông Neo Gim Siong Bennett vào vị trí Tổng Giám đốc của Sabeco, kể từ ngày 1.8 cho nhiệm kỳ 2018-2023.

Bà Lê Hải Yến, Phó Giám đốc khối IB, Công ty Chứng khoán Bản Việt, nhận định, giá trị cổ phiếu trên sàn chứng khoán chỉ thể hiện một phần, trong khi đánh giá sự thành công của thương vụ Sabeco thông qua M&A cần tính đến nhiều yếu tố, trong đó có yếu tố thị trường.

Thương vụ ThaiBev - Sabeco mới chỉ diễn ra chưa đầy 1 năm nên ông Phạm Văn Thinh, Tổng Giám đốc Deloitte Việt Nam, cũng cho rằng: “Còn quá sớm để nói rằng thương vụ này có thành công hay không”. “ThaiBev đầu tư vào Sabeco, không đầu tư vào chứng khoán, nên giá cổ phiếu lên hay xuống không ảnh hưởng đến chất lượng giao dịch này”, ông Thinh nhận định.

Thế nhưng, khoản vay của ThaiBev để mua lại Sabeco là một vấn đề không hề sớm để đưa ra nhận định. Ngày 18.12.2017, thương vụ thoái vốn nhà nước lớn nhất lịch sử Việt Nam đã xảy ra, khi 343 triệu cổ phiếu SAB được chuyển nhượng cho Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Vietnam Beverage tại mức giá 320.000 đồng/cổ phiếu. Thương vụ trên giúp Vietnam Beverage nắm giữ 53,59% cổ phần của đại gia ngành bia  Việt Nam này. Sự kiện trên chính thức đánh dấu sự hiện diện của người Thái trên thị trường bia Việt. Tổng giá trị giao dịch ước đạt 4,8 tỉ USD. 

Khoản vay cho thương vụ được tài trợ bởi các ngân hàng Singapore và Thái Lan. Cụ thể hơn, khoản vay 3,05 tỉ USD đến từ các ngân hàng như Bangkok Bank, Kasikornbank Public, Krung Thai Bank, Bank of Ayudhya và ngân hàng thương mại Siam Commercial Bank, thời gian đáo hạn là 2 năm. Khoản tài chính 1,95 tỉ USD còn lại được bảo trợ bởi Ngân hàng Mizuho Bank và chi nhánh Singapore của Ngân hàng Standard Chartered. Cho rằng việc ThaiBev sử dụng đòn bẩy tài chính để M&A là không an toàn, hãng xếp hạng tín dụng Fitch Ratings tại Thái Lan đã xếp ThaiBev vào danh sách theo dõi tiêu cực (Ratings Watch Negative). 

Ghe nong Sabeco da trong tay nguoi Thai
 

Nói thế để biết, đây là một canh bạc không nhỏ của ThaiBev khi vay khoản tiền lớn để sáp nhập, sau đó là tính cách trả lãi vay và thu lại lợi nhuận. Tình hình kinh doanh của Sabeco hiện tại chỉ vừa đủ để chi trả khoản lãi suất phát sinh từ thương vụ thâu tóm. 

Tham chiếu với số liệu của Ngân hàng Trung ương Thái Lan, các tham số của khoản vay ThaiBev có thể phần nào được hình dung. Theo tìm hiểu của NCĐT, lãi suất 10 năm của trái phiếu Chính phủ Thái dao động ở mức 2,76%/năm, lãi suất trái phiếu 1-3 năm của các định chế kinh tế lớn tại Thái Lan là 6,64%/năm. Theo thống kê của Ngân hàng Trung ương Thái Lan, biên độ lãi suất cho vay thương mại là 6,03-6,60%/năm.

Qua đó có thể thấy, lãi suất khoản vay của ThaiBev sẽ dao động ở mức 6%. Khái toán lãi suất mà công ty này phải trả cho các định chế tài chính là gần 300 triệu USD, tương đương 6.810 tỉ đồng lãi vay hằng năm. Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2018 của Sabeco được kiểm toán bởi PwC, lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp ở mức 1.155 tỉ đồng. Dự kiến con số này năm 2018 của Sabeco sẽ dao động ở mức 4.620 tỉ đồng nếu tình hình kinh doanh không tăng trưởng đột biến. 

Nói cách khác, lãi vay mà ThaiBev phải cân đối hơn xa số thu nhập mà doanh nghiệp này nhận được từ Sabeco. Tình hình “nặng nề” đến nỗi bất chấp việc Công ty Nước giải khát Chương Dương (SCD) thua lỗ hơn 2,7 tỉ đồng năm 2017, Sabeco vẫn kiên trì yêu cầu SCD trích quỹ cổ tức 20% để chi trả theo kế hoạch được thông qua tại đại hội năm trước. Theo tìm hiểu, Sabeco hiện đang nắm quyền chi phối 62,1% vốn của SCD, vì thế việc thông qua kế hoạch chi trả cổ tức dự kiến sẽ không gặp trở ngại lớn.  

Trong khi đó, theo ông Neo Gim Siong Bennett, giữ chức Tổng Giám đốc Sabeco từ ngày 1.8, kế hoạch lợi nhuận năm 2018 của Công ty giảm do thuế tiêu thụ đặc biệt tăng 65% năm 2018 so với con số 60% năm 2017, chưa kể giá nguyên liệu tăng cao. Tình hình này cũng chưa thể giải quyết một sớm một chiều.

Ngoài việc phải trả lời câu hỏi về dòng tiền thu nhập và lãi vay, vấn đề chuyển giá giữa 2 công ty mẹ - con và biến động giữa USD, tỉ giá đồng baht Thái với tiền đồng cũng làm ThaiBev không dễ dàng giải quyết.

LẬT LẠI THƯƠNG VỤ THAIBEV-CARLSBERG
Đầu thập niên 90, trước sự thống trị tuyệt đối của bia Singha, thương hiệu chiếm gần 90% thị trường bia Thái thời bấy giờ, Thai Charoen Corp (TCC) đồng ý hợp tác với hãng bia Đan Mạch Carlsberg. TTC chính là tập đoàn nắm quyền sở hữu chi phối với Fraser & Neave, Chang Beverages… Liên doanh mới được thành lập mang tên Carlsberg Asia với sự chia sẻ cổ phần đồng đều từ Carlsberg Breweries và Chang Brewery. Mục tiêu của liên doanh là sản xuất và phân phối bia Carlsberg cho thị trường Thái đầy tiềm năng. 

Cần phải nói thêm, lý do Carlsberg chọn TCC vì đây là đơn vị duy nhất thắng thầu toàn bộ giấy phép quốc doanh liên quan đến việc sản xuất thức uống có cồn từ Chính phủ Thái. Hấp dẫn hơn, đi kèm giấy phép sản xuất là 12 nhà máy ủ bia quốc doanh giờ được nhượng lại cho tư nhân. Tất cả những yếu tố trên khiến Chang Beverages trở thành hợp đồng đầy tiềm năng với Carlsberg. Hợp tác với tỉ phú người Thái không chỉ cho phép họ bán bia, mà còn mở lối cho Carlsberg chiếm lĩnh thị trường với hệ thống nhà máy công suất lớn. Liên doanh TCC - Carlsberg mở đường cho việc sử dụng nhà máy của TCC, kết hợp với công nghệ lên men bia thượng hạng của Carlsberg, để tạo ra sản phẩm bia chất lượng cho người tiêu dùng Thái. 

Ở chiều ngược lại, tiếp cận được với Carlsberg đồng nghĩa với việc TTC mà chính xác là ThaiBev rút ngắn được vô số khó khăn kỹ thuật, vấp ngã buổi đầu khởi nghiệp làm bia. Thực tế, 4 năm sau đó, Thai Beverage chính thức cho ra đời thương hiệu bia Chang (trong tiếng Thái, Chang là voi), với biểu tượng quốc gia 2 chú voi trắng vào năm 1995.

Khủng hoảng tài chính năm 1997 đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến châu Á. Kinh tế Thái Lan bị ảnh hưởng nghiêm trọng, thu nhập của người dân cũng vì vậy mà trở nên eo hẹp. ThaiBev biết đây là cơ hội tốt để tấn công vị trí “vua bia” Thái Lan của Singha. Sử dụng chiến lược marketing giá rẻ, Chang tập trung mạnh mẽ vào phân khúc người có thu nhập trung bình - phân khúc bao gồm đa số người dân Thái lúc bấy giờ.

Ghe nong Sabeco da trong tay nguoi Thai
 

Họ sử dụng hình ảnh chú voi như lời hiệu triệu quốc gia nhằm vực dậy lòng yêu nước và niềm tin vào tương lai của người Thái. Một Singha với giá bán cao, hình ảnh gắn liền với những giá trị xưa của Thái Lan - những vũ công truyền thống, đền đài, đã trở nên lỗi thời. Với người Thái, Singha gợi lại quá khứ u buồn của cuộc khủng hoảng năm 1997. 

Vì thế, lượng tiêu thụ bia Chang tăng chóng mặt. Đến năm 1998, Chang nhanh chóng chiếm lĩnh hơn 50% thị trường bia Thái. Soán ngôi vua của Singha và có lẽ cũng là của Carlsberg, Chang trở thành thương hiệu nổi tiếng nhất Thái Lan và vươn ra khắp châu Á. Mối quan hệ giữa Chang và Carlsberg vì thế cũng trở nên lạnh nhạt và dần xa cách, khi mà hãng bia Đan Mạch cho rằng TTC không thực sự cống hiến tích cực vào liên doanh Carlsberg Asia. Tỉ phú người Thái có lẽ không còn hứng thú với việc giúp Carlsberg nấu bia nữa, cũng như việc giúp thương hiệu Đan Mạch khẳng định vị thế tại Thái Lan. Thay vào đó, việc tập trung sản xuất bia Chang lại là điều quan trọng nhất với Thai Beverage. 

 “Một trong những lý do chúng tôi chấm dứt liên doanh này là vì chúng tôi quan ngại sâu sắc với những giá trị đóng góp bởi Chang Beverages. Chúng không tương đồng với những gì đã được đồng ý trước đó. Giá trị đóng góp của Chang Beverages hoàn toàn không tương xứng với tài sản đóng góp của Carlsberg Breweries cho Carlsberg Asia”, ông Nils S.Andersen, Chủ tịch và Giám đốc Điều hành của Carlsberg Breweries khi đó, phát biểu. 

Sự việc lên đến đỉnh điểm khi mà Carlsberg Asia chính thức thay thế những thành viên ban quản trị được chỉ định bởi Chang Beverages trong liên doanh. Điều này tạo cơ sở cho Chang Beverages kiện Carlsberg và yêu cầu khoản phí bồi thường lên đến 2,5 tỉ USD vì việc rút khỏi liên doanh. Tranh chấp pháp lý giữa 2 bên kết thúc khi mà Carlsberg đồng ý trả khoản phí bồi thường lên đến 120 triệu USD vào năm 2015. 

LỊCH SỬ CŨ NGƯỜI, MỚI TA
Với Carlsberg, việc “đi tắt đón đầu” bằng TCC, tận dụng mạng lưới sản xuất và giấy phép thương mại độc quyền để chiếm thị trường, là trải nghiệm không lấy làm vui vẻ. Với Thai Beverage, đây lại là cơ hội quý báu để hấp thụ tinh hoa được tích lũy gần 200 năm của nhà nấu bia Đan Mạch. Không có đúng sai, dù là Carlsberg hay Thai Beverage, họ đều đặt quyền lợi lớn nhất khi tham gia vào các thương vụ kinh doanh. 

Thương vụ Thai Beverage của tỉ phú Thái mua lại 53,59% cổ phần của Sabeco có nhiều nét tương đồng với cái bắt tay của Carlsberg và TCC năm xưa. Sabeco giờ lại đóng vai trò của TCC năm nào và Thai Beverage giờ lại là Carlsberg. Thai Beverage thấy được lợi thế kinh doanh to lớn mà Sabeco đang sở hữu, như cách Carlsberg hiểu được giá trị việc TCC nắm giấy phép thương mại độc quyền và mạng lưới nhà máy ủ bia năm xưa. 
Sabeco hiện là doanh nghiệp đầu ngành giải khát, với thị phần chi phối hơn 43,3%, trong khi Heineken là 28%, Habeco 12% và Carlsberg là 7%. Ngoài ra, Sabeco còn sở hữu mạng lưới sản xuất và phân phối khép kín với độ phủ từ Bắc đến Nam. Tính đến hiện tại, Sabeco hiện có 26 nhà máy bia có tổng công suất đạt 2 tỉ lít/năm; 11 công ty thương mại đảm nhận công tác phân phối, quản lý 44 chi nhánh; 8 tổng kho phục vụ việc phân phối; 800 nhà phân phối cấp 1; và hơn 32.000 điểm bán rộng khắp cả nước. Trên khía cạnh nào đó, Sabeco còn hấp dẫn hơn cả TCC năm nào khi có mạng lưới phân phối rộng khắp.

Ghe nong Sabeco da trong tay nguoi Thai
 


Liệu khi nắm hệ thống nhà máy công xuất lớn và hệ thống phân phối rộng khắp, ThaiBev có chung giấc mộng phát triển bia Sài Gòn? Trước mắt, sau rất nhiều lần đề nghị kể từ khi bỏ khoản tiền lớn mua Sabeco, người của tỉ phú Thái đã nắm các vị trí chủ chốt tại công ty bia này. Qua đó khẳng định Sabeco phần lớn đã thuộc về người Thái. Khi được hỏi về tương lai của thương hiệu bia Sài Gòn khi trong tay người Thái, ông Koh Poh Tiong, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Sabeco, khẳng định trước cổ đông: “Cổ đông ThaiBev đã chi 4,8 tỉ USD để mua cổ phần Sabeco, cái quan trọng nhất chính là thương hiệu Sabeco. Thương hiệu Sabeco sẽ được duy trì và phát triển thương hiệu không chỉ ở Việt Nam mà còn vươn ra tầm khu vực”.

Có thể thấy, ThaiBev phải trợ lực rất nhiều cho Sabeco để thay đổi cục diện thị trường theo hướng gia tăng chi phí marketing cho các sản phẩm hiện tại của Sabeco, hoặc tung ra sản phẩm mới. Bia Chang của Thái không thực sự quá mới đối với người tiêu dùng Việt Nam, nhưng đối với thị trường phía Nam, kênh phân phối vẫn chưa rõ rệt, hầu hết người tiêu dùng vẫn đón nhận với kiểu “dùng thử” hơn là mua theo thói quen. Hiện nay, bia Chang được bán tại chuỗi siêu thị MM Mega Market (Cash and Carry Việt Nam trước đây do Berli Jucker Plc (BJC), một chi nhánh của ThaiBev mua lại). Đặc biệt, Công ty Phú Thái và Thai Corp. thuộc BJC sẽ tiếp sức phân phối tại Việt Nam.

Ghe nong Sabeco da trong tay nguoi Thai
 


Theo đại diện Phú Thái, việc BJC mua lại cổ phần Phú Thái Group không phải quá thuận lợi cho BJC thâm nhập Việt Nam, vì các đơn vị của tập đoàn này hoạt động khá độc lập. Chỉ có sản phẩm nào của BJC đang phân phối mà thị trường Việt Nam có nhiều nhu cầu thì sẽ có kiểm nghiệm, đưa thử vào thị trường. Bia Chang là một trong những sản phẩm như vậy.

Tiếp cận thị trường Việt Nam, bia Chang chắc chắn sẽ phải mất nhiều thời gian nữa để chinh phục người tiêu dùng. Nhưng đây là chiến lược lâu dài của tỉ phú Thái với tham vọng thống lĩnh thị trường bia khu vực.

Từ giữa năm 2016, ThaiBev tuyên bố mở rộng mạnh thị trường ASEAN, trong đó nhắm đến các loại bia và đồ uống ở Việt Nam và Myanmar thông qua việc mua lại các công ty bia và sữa Việt Nam. Để củng cố vị thế của mình tại khu vực, ThaiBev hướng tới mục tiêu đạt được tỉ trọng 50% doanh thu là được đóng góp từ các thị trường bên ngoài Thái Lan.

Tiêu thụ bia trên đầu người hiện tại của Việt Nam vào khoảng 42 lít/người, chỉ bằng một nửa so với mức tiêu thụ trung bình của nhóm 25 nước tiêu thụ bia nhiều nhất thế giới là 88,33 lít/người. Thị trường Việt Nam hiện có giá trị 6,5 tỉ USD và kỳ vọng sẽ tăng trưởng ngoạn mục trong thời gian tới do các yếu tố đến từ kinh tế vĩ mô và cấu trúc nhân khẩu học của Việt Nam.

Có thể thấy, với áp lực lãi vay và tham vọng dài hạn, người của tỉ phú Thái Charoen Sirivadhanabhakdi kiểm soát toàn bộ Sabeco để dễ dàng hơn trong các kế hoạch kinh doanh, tài chính của mình. Họ đã đề xuất sửa điều lệ Sabeco theo hướng bỏ một số ngành nghề kinh doanh nhằm nới room ngoại lên 100%.

Đồng thời kiến nghị chuyển đổi mô hình Ban kiểm soát truyền thống sang mô hình Ban kiểm toán nội bộ trực thuộc Hội đồng Quản trị, tương tự như điều mà Vinamilk đã làm. Hiện tại, theo quyết định do Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng ký, hai người đại diện cho 36% vốn nhà nước còn lại tại Sabeco nhiệm kỳ 2018-2023 là ông Nguyễn Tiến Dũng và ông Lương Thanh Hải.

Nếu nới room ngoại 100%, trước mắt, Sabeco sẽ dễ dàng huy động thêm vốn và nguồn lực từ các nhà đầu tư nước ngoài hơn. Tất nhiên, qua đó, khi có tiền, phía Thái Lan cũng dễ hơn trong bảng cân đối tài chính của mình.

Sản lượng xuất khẩu bia của Sabeco năm 2017 đạt 28,6 triệu lít, gấp 4 lần so với cùng kỳ. Thương hiệu Bia Sài Gòn cũng xuất hiện ở hơn 30 quốc gia trên thế giới. 
Việt Nam đã lọt vào Top 10 thị trường lớn nhất thế giới xét về dung lượng bia tiêu thụ. Theo tính toán, năm 2017, thị trường bia Việt Nam cán mốc tiêu thụ 4 tỉ lít. Trong thị trường có sức tiêu thụ khổng lồ này, cuộc cạnh tranh trong ngành bia đang trở nên khốc liệt.



 


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới