Hủy
Công Nghệ

Cạnh tranh việc làm với robot

Lam Hồng Thứ Ba | 13/02/2018 14:00

Thay vì kháng cự xu hướng “robot hóa” hay cách mạng 4.0, thị trường lao động giá rẻ như Việt Nam nên học cách sống chung với làn sóng này.
 

Thăm nhà máy sản xuất của TH True Milk ở Nghệ An, rất nhiều người sẽ ngạc nhiên trước cảnh cả một cánh đồng cỏ lớn bằng 4 sân đá bóng chỉ có một máy tưới tự động thong thả chạy qua chạy lại. Ở khu vực đóng gói, lác đác vài công nhân trực. Còn khu vực quản lý hàng ngàn con bò chỉ có 2 nhân viên theo dõi qua màn hình máy tính để xác định các thông số sức khỏe, ngày vắt sữa... Đây là mô hình được tự động hóa điển hình trong lĩnh vực sản xuất và chế biến sữa của Israel đã được TH True Milk áp dụng để nhanh chóng gia tăng khả năng cạnh tranh.

Bao nhiêu và khi nào?

Xu hướng này thực sự là một phản ứng khôn ngoan của các doanh nghiệp đối với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 có thể sẽ diễn ra ở châu Á. Giống như nhà máy TH True Milk, nhiều nhà máy dệt may cũng ngày càng sử dụng ít lao động. Theo ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam, trên thực tế, nếu xét về mặt kinh tế, tự động hóa trong các khâu cơ bản là cần thiết để cải thiện lợi nhuận. Trong thập niên tới, có một số công đoạn như sản xuất tơ sợi hóa học, nhuộm (các khâu độc hại và các khâu lặp lại) có khả năng thay thế rất cao, nhưng khâu may sẽ có tỉ lệ thay thế thấp, chỉ khoảng 30%.

Dựa trên thực tế này, theo Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), tất cả các quốc gia ở châu Á nói chung đều bị ảnh hưởng bởi mối nguy hại về mất việc làm đối với những công nhân được trả lương thấp bởi vì nền sản xuất tự động. Cụ thể, tỉ lệ này ở Việt Nam là 70%, Campuchia 57%, Indonesia 56% và Thái Lan là 45%.

Canh tranh viec lam voi robot
 

Dù nhiều ý kiến cho rằng,  xu hướng robot hóa có thể còn chưa lan tới Việt Nam, do giá lao động vẫn còn cạnh tranh và chi phí đầu tư công nghệ tương đối đắt đỏ. Nhưng thực tế cho thấy, nhiều doanh nghiệp đã áp dụng công nghệ nhằm cắt giảm chi phí đáng kể và giúp tăng năng suất sản xuất. Đặc biệt khi nhiều cảnh báo cho thấy năng suất lao động tại Việt Nam đang đứng cuối bảng tại ASEAN. Theo Tổng cục Thống kê, tính theo sức mua tương đương, năng suất lao động của Việt Nam năm 2016 đạt 9.894USD, bằng 7% của Singapore, 17,6% của Malaysia, 36,5% của Thái Lan, 42,3% của Indonesia, 56,7% của Philippines và bằng 87,4% năng suất lao động của Lào.

Việt Nam vẫn ở giai đoạn tiếp cận trình độ sản xuất hàng loạt (công nghiệp 2.0) nhưng đang nỗ lực để chuyển sang sản xuất tự động hóa (công nghiệp 3.0).Vì thế, việc robot hóa các công đoạn sản xuất là lựa chọn khó thay thế trong các ngành sản xuất tại Việt Nam.Do đó, câu hỏi ở đây không phải là “liệu có hay không robot sẽ lấy việc làm của con người?” mà là “bao nhiêu và khi nào?”.

Đào tạo lại con người

Nhiều nền kinh tế châu Á không sẵn sàng cho robot vì đứng trước lo ngại thất nghiệp hàng loạt. Chẳng hạn, năm 2014, Trung Quốc chỉ có 11 robot trên 10.000 nhân viên trong các ngành phi công nghiệp ô tô và chỉ có 213 robot trên 10.000 nhân viên trong dây chuyền lắp ráp ô tô. Tỉ lệ này thấp hơn hàng trăm lần so với ở Nhật, Mỹ hoặc Đức. Các quốc gia nghèo hơn phải đối mặt với những rào cản đáng kể trong việc áp dụng các công nghệ mới. Hơn nữa, mức lương nhân công thấp giúp các công ty tại đây cạnh tranh hơn trong việc thu hút các ngành sản xuất thâm dụng lao động.

Canh tranh viec lam voi robot
 

Nhưng xu hướng không thể đảo ngược là những người lao động có trình độ thấp với kỹ năng trung bình sẽ dần bị thay thế bởi robot. Một nghiên cứu năm 2013 của Carl Frey và Michael Osborne của Đại học Oxford cho thấy, trong những thập niên tới, 47% tổng số việc làm của Mỹ sẽ có nguy cơ tự động hóa. Tương tự, ILO đã cảnh báo rằng 56% tổng số việc làm ở Campuchia, Indonesia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam có nguy cơ cao bị thay thế bằng tự động hóa.

Năm 2015, doanh số của robot ở châu Á tăng 19%, năm kỷ lục thứ tư liên tiếp. Khi các nước đang phát triển ở châu Á tham gia làn sóng tự động hóa, việc sa thải lao động hàng loạt sẽ không thể tránh khỏi.

Mới đây, Việt Nam đã chấp thuận dự án đầu tư 300 triệu USD xây dựng nhà máy sản xuất chip ứng dụng cho robot và các sản phẩm khác với công suất 400 triệu chip/năm. Tiến sĩ Jörg Mayer (UNCTAD) cho biết: “Năng suất là một trong những vấn đề quan trọng của nền kinh tế Việt Nam. Việc sử dụng robot và thúc đẩy xu hướng tự động hóa có thể giúp Việt Nam chuyển đổi từ phát triển quy trình sản xuất sang phát triển sản xuất một cách trực tiếp”.

“Muốn không bị robot xâm lấn chỉ còn cách đầu tư vào con người”, chuyên gia Stephen Groff  của Ngân hàng Phát triển châu Á cho biết. Theo ông, chính phủ các nước như Việt Nam cần khẩn trương cải cách thị trường lao động và sửa đổi hệ thống giáo dục, bắt đầu bằng đào tạo và dạy nghề kỹ thuật và nghề nghiệp. Các chính phủ nên đảm bảo rằng các khóa học của dạy nghề tập trung vào các kỹ năng liên quan hơn đến nhu cầu của thị trường.

Canh tranh viec lam voi robot
 

Một lựa chọn là mở rộng các khóa học ngắn hạn, tốn ít thời gian hơn, đào tạo các công việc cụ thể chứ không phải toàn bộ công việc. Ví dụ, Chính phủ Myanmar thí điểm cung cấp các khóa học ngắn về kỹ năng hàn và sửa chữa máy móc nông nghiệp.
Mặt khác, chính phủ các nước nên trợ cấp hoặc ưu đãi thuế cho các công ty đầu tư vào các kỹ năng mà con người làm chủ tốt hơn so với máy móc, chẳng hạn như giao tiếp và đàm phán. Theo đó, các nước đang phát triển ở châu Á cần các chính sách hỗ trợ người lao động chứ không phải là việc làm. Tất cả các bên có thể có lợi từ hợp đồng linh hoạt và học tập suốt đời và đào tạo cơ hội.

Đào tạo lại đặc biệt quan trọng, bởi vì tự động hóa sẽ tạo ra các ngành công nghiệp và nghề nghiệp hoàn toàn mới. Viện Toàn cầu McKinsey ước tính rằng tự động hóa có thể tăng trưởng năng suất toàn cầu từ 0,8-1,4% mỗi năm, tạo ra các khoản tiết kiệm lớn và tăng hiệu suất cho các doanh nghiệp. Nâng cao khả năng tiếp cận với đào tạo và chứng nhận sẽ giúp các nước tận dụng những tiến bộ này và đảm bảo tăng trưởng công bằng hơn bằng cách cung cấp cho người lao động những kỹ năng cần thiết để giải quyết việc làm mới.

Kết quả đó sẽ tốt cho người lao động và cho các nền kinh tế châu Á. Điều đó có nghĩa là các doanh nghiệp dệt may tại Việt Nam có thể hoạt động với toàn bộ robot, trong khi các công nhân cũ sẽ được thuê làm việc ở nơi khác


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới