Hủy
Doanh Nghiệp

ĐHCĐ MSN: Masan Nutri-Science đặt kế hoạch doanh thu 1 tỷ USD năm 2015

Thứ Hai | 27/04/2015 10:05

MSN đặt kế hoạch lợi nhuận năm 2015 tập đoàn đạt 4.000 tỷ đồng. Công ty hiện còn khoản lợi nhuận chưa phân phối hơn 7.000 tỷ đồng.
 

Ngày 27/4, Công ty Cổ phần Tập đoàn Masan MSN tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2015.

Năm 2015, công ty kỳ vọng sẽ đạt doanh thu từ 22.000-23.000 tỷ đồng và LNST từ 3.600-4.000 tỷ đồng.

Năm 2014, doanh thu thuần của MSN đạt 16.089 tỷ đồng, tăng gần 35% so với năm 2013. LNST đạt 3.116 tỷ đồng, tăng hơn 44%. Công ty dự kiến tiếp tục không chia cổ tức năm 2014.

Quý I/2015, Masan đã nhận được phê duyệt xây dựng nhà máy sản xuất thực phẩm và đồ uống tại tỉnh Hậu Giang. Nhà máy mới tại Nghệ An cũng đã bắt đầu được xây dựng.

Hiện tại, Masan đang phát triển bốn ngành hàng tiêu dùng quan trọng bao gồm thực phẩm, đồ uống không cồn, bia và protein động vật.

Về mảng thực phẩm, Masan đang tập trung phát triển các sản phẩm gia vị và thực phẩm tiện lợi.

Trong ngành hàng gia vị, Masan đang chiếm lĩnh thị phần nước mắm, nước tương và tương ớt, đồng thời giới thiệu các sản phẩm hạt nêm. Các sản phẩm của Masan đang định hình phân khúc cao cấp và bình dân rõ ràng hơn. Việc trở thành cổ đông lớn trong Công ty Cổ phần Thực phẩm Cholimex giúp Masan tiếp cận nhanh hơn đến nhóm ngành này.

Trong ngành thực phẩm tiện lợi, hiện danh mục sản phẩm mì ăn liền của Masan phát triển ở cả phân khúc cao cấp, trung cấp. Masan đang có tham vọng dẫn đầu thị trường này trong năm 2015.

Về mảng đồ uống không cồn, Masan đang sở hữu nhãn hàng nước tăng lực vị cà phê Wake-Up 247 và cà phê hòa tan Wake-Up 2-trong-1. Về mảng bia, sau khi mua lại và chuyển đổi nhà máy bia, Masan đã ra mắt nhẵn hàng bia "Sư Tử Trắng".

Về mảng protein động vật, cuối năm 2014, Masan đã mua lại 100% cổ phần của Công ty Cổ phần Thực phẩm Dinh dưỡng Sài Gòn - công ty sản xuất các sản phẩm thịt chế biến như xúc xích và thịt hộp.

Trong hoạt động kinh doanh tài nguyên, Masan đang vận hành mỏ Núi Pháo trữ lượng 66 triệu tấn sản xuất vonfram.

HĐQT trình Đại hội thông qua phương án phát hành 12 triệu cổ phiếu ESOP cho cán bộ, nhân viên của Masan và các công ty con. Dự kiến, Masan sẽ phát hành số cố phần này trong năm 2015 và 4 tháng đầu năm 2016.

HĐQT trình Đại hội thông qua phương án việc tiếp tục phát hành cổ phần mới cho Jade Dragon (Mauritius) Limited và MRG, LTD. trong năm 2015 và 4 tháng đầu năm 2016. Theo đó, Masan tiếp tục phát hành tối đa 9 triệu cổ phần cho Jade Dragon (mauritius) Limited theo phương án phát hành cổ phần đã được thông qua tại Nghị quyết ĐHĐCĐ năm 2013.

Ngoài ra, Masan sẽ tiếp tục phát hành tối đa 3,6 triệu cổ phần cho MRG. theo phương án phát hành cổ phần đã được thông qua tại Nghị quyết ĐHĐCĐ năm 2014.

Lập Masan Nutri-Science với kế hoạch doanh thu 1 tỷ USD trong 2015

CTCP Tập đoàn Masan công bố đã mua 52% và 70% cổ phần của Công ty CP Việt -Pháp Sản xuất thức ăn gia súc ("Proconco") và CTCP Dinh dưỡng Nông nghiệp Quốc tế ("Anco"), bằng việc mua 99,99% cổ phần của Công ty TNHH Sam Kim. Tập đoàn sau đó đã đổi tên Công ty Sam Kim thành Công ty TNHH Masan Nutri-Science.

Việc mua và thành lập Masan Nutri-Science ngay lập tức đem lại cho Tập đoàn một nền tảng hàng đầu để phục vụ cho ngành thức ăn chăn nuôi đang phát triển trị giá 6 tỷ USD.

Proconco và Anco kết hợp lại sẽ là công ty sản xuất thức ăn dành cho heo lớn nhất (không bao gồm trại gia công) và công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi nói chung lớn thứ hai ở Việt Nam, với sản lượng thức ăn chăn nuôi cung cấp cho thị trường năm 2014 trên 1,7 triệu tấn. Masan Nutri-Science đặt kế hoạch doanh thu 1 tỷ USD trong năm 2015.

Ông Phạm Phú Ngọc Trai, Chủ tịch Masan Nutri-Science cho biết, hiện tổng giá trị  ngành chăn nuôi Việt Nam ở mức 10 tỷ USD trong đó, công ty nước ngoài chiếm đến một nửa.

Hiện GDP của Việt Nam chỉ bằng 1/10 GDP của Mỹ nhưng giá các sản phẩm từ đạm động vật lại cao hơn Mỹ từ 1,5-2 lần. Ông Trai cho biết, nguyên nhân chính là do năng suất sản xuất của ngành chăn nuôi Việt Nam thấp. Cụ thể, trong khi ở Mỹ chỉ cần 2,5kg thức ăn chăn nuôi để tạo ra 1kg thịt thì mức này ở Việt Nam cần đến 3,5kg. Bên cạnh đó, chi phí sản xuất thịt bò ở Việt Nam gấp 1,5 lần so với Úc. Vì thế, vị này cho rằng, ngành chăn nuôi Việt cần phải có chiến lược khác biệt.

Ông Danny Le, Tổng Giám đốc Masan Nutri-Science cho biết, mục tiêu của Masan là nắm giữ 50% thị phần thức ăn chăn nuôi tại Việt Nam năm 2020. Trước hết, Masan Nutri-Science sẽ hướng đến 15% thị phần trong năm nay. Theo đó, công ty hướng tới mức doanh thu 5 tỷ USD và lợi nhuận thuần 400 triệu USD, giá trị thị trường 8 tỷ USD năm 2020.

Nguồn NCĐT


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới