Hủy
Kiều bào

Xuân hội ngộ 2018: Biển đảo quê hương tôi

Hải Vân Thứ Bảy | 02/06/2018 10:22

Nhắc nhở mỗi người dân Việt Nam ý thức bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
 

Chương trình “Xuân hội ngộ 2018: Biển đảo quê hương tôi” được Hội Liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài tổ chức, nhắc nhở mỗi người dân Việt Nam ý thức bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. 
Hội Liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài đã tổ chức “Xuân hội ngộ 2018” nhằm hội ngộ những gương “người tốt, việc tốt” là kiều bào trong và ngoài nước, đồng thời vinh danh những đóng góp thiết thực của kiều bào ở xa Tổ quốc vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước. “Xuân hội ngộ 2018” cũng là sự tri ân tới các kiều bào đã đóng góp nguồn lực cùng Nhà nước xây dựng các công trình vững chãi, trang bị cho các đảo một tư thế vững vàng trước sóng dữ, trước mọi âm mưu muốn xâm chiếm và làm mất đi không khí hòa bình trên biển Đông. 

“Biển đảo quê hương tôi”
Thượng tướng Lê Chiêm, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, tại phiên thảo luận tổ của kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa 14, ngày 22.5, cho biết, tình hình an ninh trên biển diễn biến tương đối phức tạp trong những tháng đầu năm. Cụ thể, việc lực lượng chuyên trách Trung Quốc đã hỗ trợ ngư dân nước này đánh cá sâu trong vùng biển Việt Nam, cách khu vực đảo Lý Sơn chỉ 40-50 hải lý, là thủ đoạn tuyên truyền, tuyên bố đường lưỡi bò phi pháp của Trung Quốc. Phía Việt Nam đã tổ chức lực lượng tuyên truyền, vận động và kiên quyết xua đuổi các tàu thuyền của Trung Quốc ra khỏi khu vực này.

Trong bối cảnh đó, những lo lắng của kiều bào ở xa Tổ quốc và nhân dân trong nước là thật. Ông Nguyễn Phú Bình, Chủ tịch Hội Liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài (ALOV), cho biết, các vấn đề liên quan đến biển đảo của Tổ quốc đã đặc biệt thu hút sự quan tâm của kiều bào trên toàn thế giới. Tuy nhiên, trước những thông tin đa chiều bên ngoài, nhiều kiều bào rất lo lắng về sự an toàn của biển đảo Việt Nam. Bằng việc tổ chức các chuyến ra thăm đảo quần đảo Trường Sa, những lo lắng của kiều bào được giải tỏa, yên tâm về sự chắc chắn của các chốt tiền tiêu, thể hiện ý chí và sức mạnh của đất nước. 

Theo Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, kể từ năm 2012 Ủy ban đã phối hợp với Quân chủng Hải quân đưa kiều bào ra thăm Trường Sa. Tính đến nay, đã có gần 400 lượt kiều bào ra thăm đảo. Cảm nhận chung nhất của các kiều bào trong đoàn là ý chí sắt đá của các cán bộ chiến sĩ, của quân và dân trên quần đảo Trường Sa trong công cuộc bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc. Hoạt động này đã giúp cho người Việt Nam ở nước ngoài hiểu hơn về đất nước, về đảo Trường Sa, để từ đó kiều bào giành nhiều tình cảm, sự quan tâm cho quân và dân đang ngày đêm bảo vệ vùng biển đảo của Tổ quốc. 

Đang có hơn 4,5 triệu người Việt Nam ở nước ngoài. Trong số đó, Chủ tịch Nguyễn Phú Bình cho biết, nhiều kiều bào có hoàn cảnh còn khó khăn nhưng tấm lòng luôn hướng về quê hương, đất nước. Những năm qua, kiều bào đã có những hành động thiết thực với đất nước, thông qua các hoạt động đầu tư, thương mại hay các hợp tác nghiên cứu, chuyển giao kỹ thuật, giáo dục… Kiều bào luôn quan tâm và chia sẻ với đồng bào trong nước mỗi khi có thiên tai, mỗi khi có khó khăn thử thách xảy ra. Nhiều kiều bào cũng đã đóng góp thiết thực vào việc cải thiện điều kiện vật chất cho các chiến sĩ tại hải đảo.

Tham gia “Xuân hội ngộ 2018”, doanh nhân Nguyễn Hoài Bắc, kiều bào Canada, cho biết, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài luôn giành những tình cảm tốt đẹp nhất cho biển đảo của quê hương. Hình ảnh về đời sống của các cán bộ, chiến sĩ và người dân trên các quần đảo tiền tiêu của Tổ quốc luôn gây xúc động cho cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. “Tôi chưa có dịp đến Trường Sa nhưng qua phim ảnh, báo chí, tôi cảm nhận được những khó khăn, gian khổ mà các chiến sĩ, người dân đang ngày đêm giữ vững biển đảo của đất nước”, ông Bắc chia sẻ. 

Với họa sĩ Văn Dương Thành, Việt kiều Thụy Sĩ, “biển đảo không chỉ là khung cảnh quê hương, mà còn mang ý nghĩa thiêng liêng trong lòng mỗi người dân Việt Nam”. Những bức tranh của bà về biển đảo có những tình cảm đặc biệt sâu đậm với nữ họa sĩ thành danh tại Thụy Sĩ, một người con được sinh ra từ vùng biển. Sau 30 năm giảng dạy mỹ thuật tại Thụy Sĩ, hiện nay, họa sĩ Văn Dương Thành dành nhiều thời gian để vẽ tranh và “mảng tôi yêu thích là biển cả”. Theo bà, những tác phẩm này khi được công bố đã nhận được sự quan tâm của bạn bè quốc tế. 

Giáo sư Nguyễn Lân Trung, Phó Chủ tịch ALOV, nhận định, cùng với những đóng góp xây dựng quê hương, khát vọng bảo vệ hòa bình, ổn định và toàn vẹn chủ quyền quốc gia, trong đó có chủ quyền biển đảo luôn được nhân dân trong nước và kiều bào quan tâm và đóng góp sức người, sức của mà ông cha ta đã hy sinh xương máu để giành được. Chương trình giao lưu nghệ thuật “Xuân hội ngộ”, một hoạt động thường niên của ALOV, có ý nghĩa chính trị sâu sắc. Theo ông, chương trình “Xuân hội ngộ 2018” là dịp thắt chặt và tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, gắn kết nhân dân trong nước và nước ngoài, hướng về biển đảo quê hương. 

Cầu nối kiều bào với các tổ chức, nhân dân trong nước
Kiều bào ở nước ngoài luôn hướng về cội nguồn dân tộc, nuôi dưỡng, giữ gìn và phát huy tinh thần yêu nước, giữ gìn bản sắc dân tộc, cùng chung tay xây dựng cộng đồng đoàn kết, tích cực tham gia các hoạt động do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, ALOV và các đoàn thể trong nước phát động, nhất là các hoạt động từ thiện, nhân đạo và gần đây là những hoạt động đầu tư phát triển kinh tế tại quê hương. Bà Trương Thị Ngọc Ánh, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cho biết, hình ảnh những đoàn đại biểu thay mặt cộng đồng người Việt Nam ở các nước về thăm quê hương, tặng quà cho nhân dân vùng khó khăn, thiên tai, đã góp phần tô thắm truyền thống đoàn kết của dân tộc Việt Nam, thắt chặt tình cảm máu thịt của người dân trong nước với kiều bào ở nước ngoài. 

Với vai trò “cầu nối” kiều bào với các tổ chức, nhân dân trong nước, công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài luôn được ALOV coi trọng nhiều năm qua. Trong những chuyến công tác nước ngoài, các đoàn công tác luôn sắp xếp để có thời gian gặp mặt kiều bào các nước, để ghi nhận tâm tư, nguyện vọng của kiều bào.

Xuan hoi ngo 2018: Bien dao que huong toi

Những phản ánh chính đáng của kiều bào thông qua các Hội Người Việt Nam ở các nước luôn được ALOV lắng nghe, ghi nhận để kiến nghị Đảng, Nhà nước, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các cơ quan liên quan giải quyết. Họa sĩ Văn Dương Thành cho biết bà rất trân trọng những kết nối của Hội Liên lạc người Việt Nam ở nước ngoài trong các hoạt động về người Việt Nam ở nước ngoài, trong công tác vận động kiều bào tổ chức và thực hiện các hoạt động thiện nguyện trên đất nước Việt Nam.

Đến nay, ALOV đã cùng Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài hướng dẫn và giúp đỡ các tỉnh, thành phố thành phố củng cố và thành lập các hội thân nhân ở nước ngoài, tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm kêu gọi kiều bào ở nước ngoài luôn giữ gìn bản sắc văn hóa, đoàn kết, yêu thương, đùm bọc lẫn nhau trên đất khách quê người, hướng về Tổ quốc thân yêu. 

Đặc biệt, ALOV thường xuyên liên lạc với các vị là ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ở nước ngoài, một mặt để thông tin các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế, xã hội của đất nước, nhưng mặt khác tạo niềm tin cho cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài về sự phát triển của đất nước trong giai đoạn hiện nay, đồng thời nắm bắt tâm tư tình cảm của kiều bào. 

Khép lại “Xuân hội ngộ 2018: Biển đảo quê hương tôi”, chương trình đã để lại những tình cảm tốt đẹp trong lòng kiều bào trong và ngoài nước. “Xuân hội ngộ 2018”  đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của các cơ quan ban ngành ở trung ương, cùng đông đảo cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân kiều bào ở xa Tổ quốc.


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới