Hủy

Bùng nổ khu công nghiệp từ Bắc chí Nam

Thứ Hai | 05/10/2015 13:00

Vì sao bất động sản khu công nghiệp trở nên hấp dẫn?
 

Nhiều dự án khu công nghiệp mới đã liên tiếp được công bố trong thời gian gần đây và trải dài từ Bắc chí Nam. Cụ thể, ngày 22.9.2015 tại Thanh Hóa, một dự án khu công nghiệp của tư nhân được công bố với quy mô 2.300 tỉ đồng, diện tích 286 ha và dự kiến tạo việc làm cho khoảng 60.000 lao động. 6 ngày sau, Công ty Bất động sản Viglacera Land khởi công khu công nghiệp đặt tại huyện Phong Điền, Huế có tổng vốn đầu tư 680 tỉ đồng trên diện tích hơn 284 ha.

Tập đoàn Becamex Bình Dương cũng đã khởi công khu phức hợp công nghiệp và đô thị tại tỉnh Bình Phước với tổng vốn đầu tư lên đến 20.000 tỉ đồng. Đồng thời, liên doanh Becamex với VSIP (Singapore) cũng đã được tỉnh Nghệ An cho phép triển khai Khu công nghiệp VSIP Nghệ An. Khu công nghệ cao thứ 2 của TP.HCM, tại Long Phước, quận 9, dự kiến khởi công vào năm 2016.

Khối ngoại cũng tham gia tích cực không kém. Tập đoàn Amata (Thái Lan) sẽ xây dựng khu công nghiệp rộng 410 ha, trị giá 282 triệu USD tại Long Thành và đang xin giấy phép xây dựng hai khu đô thị hiện đại tại khu vực gần sân bay Long Thành trong tương lai. Tập đoàn Sumitomo (Nhật) đã ký biên bản ghi nhớ đầu tư Khu công nghiệp Thăng Long III (Vĩnh Phúc) vào cuối tháng 5. Quy mô gần 300 ha, vốn đầu tư dự kiến 135 triệu USD, khu công nghiệp này sẽ hướng đến phục vụ các nhà đầu tư thứ phát của Nhật và mang lại công ăn việc làm cho 40.000 lao động địa phương.

Bung no khu cong nghiep tu Bac chi Nam
Giá thuê đất 50 năm khu công nghiệp tại các tỉnh năm 2015

Theo Savills, Tập đoàn Mapletree của Singapore đã cam kết đầu tư khoảng 1 tỉ USD vào khu công nghiệp, tòa nhà văn phòng và căn hộ ở Việt Nam. Vì sao bất động sản khu công nghiệp trở nên hấp dẫn?

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thu hút và gia tăng thêm trong 9 tháng đầu năm của Việt Nam đạt hơn 17,15 tỉ USD, tăng 55% so với cùng kỳ năm trước. Bất chấp kinh tế khu vực và thế giới đang gặp nhiều thách thức, đặc biệt nguy cơ chậm lại của Trung Quốc, Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn của nhiều nhà đầu tư. “Việt Nam là quốc gia duy nhất chứng kiến xuất khẩu tăng trưởng mạnh, ngược với tình trạng suy giảm của các quốc gia khác trong khu vực”, Ngân hàng ANZ nhận định mới đây. Mức tăng trưởng quý III vừa qua của Việt Nam đạt đến 6,81% và nằm trong tốp những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất châu Á. Bên cạnh nguồn lao động dồi dào, giá rẻ, Việt Nam đã và sắp tham gia nhiều hiệp định kinh tế thương mại lớn như Hiệp định thương mại tự do Việt Nam và Liên minh châu Âu, Hiệp định thương mại Việt Nam và Hàn Quốc, Cộng đồng kinh tế chung ASEAN (AEC), Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP)… Điều này giúp Việt Nam thu hút dễ dàng đầu tư của khu vực và mang lại cơ hội lớn cho các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản khu công nghiệp.

Kết quả kinh doanh của một số doanh nghiệp bất động sản khu công nghiệp niêm yết trên sàn khá sáng sủa. Công ty đầu tư và công nghiệp Tân Tạo đạt lợi nhuận sau thuế 116 tỉ đồng, tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm trước, và vừa thu hút được thêm dự án trị giá 120 triệu USD của tập đoàn Trillions (Mỹ). Với khu công nghiệp Long Hậu, lợi nhuận ròng 6 tháng đầu năm tăng 220% so với cùng kỳ, đạt gần 26 tỉ đồng.

Rõ ràng, sự khởi sắc của các khu công nghiệp kể trên đã kích thích nhiều nhà đầu tư. Nhưng nếu doanh nghiệp tham gia mà thiếu đánh giá cẩn trọng, hệ lụy sẽ không hề nhỏ bởi đang tồn tại sức ép cạnh tranh rất lớn giữa các khu công nghiệp hiện hữu.

Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cuối tháng 9 cho thấy, hiện cả nước có tới 212 khu công nghiệp đang hoạt động với tổng diện tích 60.000 ha. Tỉ lệ lấp đầy của các khu công nghiệp này chỉ mới đạt 48%, tức hơn một nửa diện tích các khu công nghiệp vẫn đang bỏ trống. Chưa hết, nguồn cung khu công nghiệp chắc chắn sẽ gia tăng mạnh trong các năm tới, bởi vì có 87 khu công nghiệp mới đang trong giai đoạn xây dựng, tương đương 41% so với con số khu công nghiệp hiện hữu.

Dù các báo cáo về Việt Nam vẫn rất lạc quan nhưng dòng vốn đổ vào có thể không giống kỳ vọng. Việc Campuchia, Myanmar không ngừng nỗ lực hoàn thiện thể chế, thu hút vốn FDI cũng có thể làm giảm dòng vốn quốc tế vào Việt Nam.

Nhìn chung, các khu công nghiệp chỉ thành công khi sở hữu vị trí địa lý tốt, đặc biệt là nằm gần các tuyến đường giao thông, bến cảng, trung tâm tài chính. Và rõ ràng là không phải tất cả các khu công nghiệp đều đạt được. Trước áp lực nguồn cung lớn chuẩn bị vào thị trường, các khu công nghiệp sẽ phải hạ giá cho thuê, ưu đãi hơn nữa và tất yếu, ảnh hưởng tiêu cực đến hiệu quả hoạt động.

Đơn cử, Tân Tạo chỉ mới hoàn thành 22% kế hoạch năm của mục tiêu lợi nhuận sau thuế vào khoảng 510 tỉ đồng, trong bối cảnh thị trường đã tích cực hơn. Cho dù có hoàn thành kế hoạch lợi nhuận, hai chỉ số đo lường hiệu quả hoạt động là ROA (lợi nhuận sau thuế trên tổng tài sản) và ROE (lợi nhuận sau thuế trên tổng vốn) ước tính tiếp tục duy trì ở mức thấp, chỉ khoảng 3,8% và 5,5%.

Sơn Nguyễn


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới