Hủy

Việt Nam hưởng lợi gì từ TPP-11?

Thứ Năm | 25/05/2017 15:02

TPP-11 sẽ là cơ sở để Việt Nam giành lợi thế trong đàm phán thương mại song phương với Mỹ.
 

Hôm Chủ nhật vừa qua tại Hà Nội, các Bộ trưởng Thương mại từ 11 quốc gia còn lại (không có Mỹ) trong Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã đồng ý tiếp tục theo đuổi hiệp định này.

Người chủ trì cuộc họp là Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh đã tuyên bố rằng 11 quốc gia này (còn gọi là nhóm TPP-11) sẽ tiếp tục nỗ lực trong giai đoạn từ đây cho đến khi hội nghị thượng đỉnh của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC) được tổ chức tại Đà Nẵng vào tháng 11.

Tuy nhiên, theo trang tin Nikkei của Nhật Bản bình luận, một TPP không có Hoa Kỳ có rất ít ý nghĩa đối với Việt Nam. Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ đã tăng 14,9% trong năm 2016 so với năm trước lên 38,4 tỷ USD, chiếm 21,8% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu cả nước. Với Việt Nam, việc theo đuổi TPP trước đây là nhằm tăng xuất khẩu quần áo, giày dép, hàng da và nông sản sang Mỹ.

TPP-11 sẽ là cơ sở để Việt Nam đàm phán với Mỹ

Kể từ sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump rút khỏi hiệp định, Việt Nam ban đầu đã chọn lập trường "Không có Mỹ, Không có TPP", theo một nguồn tin của Nikkei cho biết.

Theo Nikkei, nguyên nhân Việt Nam chuyển sang ủng hộ TPP-11 có một phần là do Nhật Bản. Nhật là nước cung cấp viện trợ phát triển chính thức (ODA) lớn nhất cho Việt Nam, và là nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn thứ hai sau Hàn Quốc.

Ngoài ra, Nhật Bản và Việt Nam đã tăng cường quan hệ hợp tác song phương. Ví dụ, tàu của Lực lượng Tự vệ Biển Nhật Bản đã thực hiện chuyến viếng thăm đầu tiên đến Vịnh Cam Ranh vào tháng 4/2016, và Nhật hoàng Akihito cùng Hoàng hậu Michiko đã đến thăm Việt Nam lần đầu tiên vào tháng 3/2017.

Theo một quan chức nói với Nikkei, mặc dù Việt Nam không kỳ vọng nhiều lợi ích từ TPP 11, nhưng sẽ tận dụng điều này trên bàn đàm phán với Mỹ và Trung Quốc. Chiến lược này sẽ được thử thách trong những cuộc đàm phán sắp tới với Mỹ.

Mặc dù Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, nhưng nước này luôn là một đối tác thương mại khó tính. Khi Việt Nam bắt đầu xuất khẩu cá tra sang Mỹ vào năm 2002, Mỹ tuyên bố rằng loại cá này không thể được bán với tên gọi "catfish". Hơn nữa, Washington đã tăng thuế nhập khẩu cá tra lên gấp 3 lần vào năm 2014 (1,2 USD/kg) và tới năm 2016 thì bắt buộc những người nuôi cá tra phải tuân thủ các tiêu chuẩn vệ sinh nghiêm ngặt của Hoa Kỳ.

Các quy định về nhập khẩu cá sẽ được xiết chặt trong năm nay vì Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) đã thay thế Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) làm cơ quan quản lý trong tháng 9.

Các biện pháp kể trên của Mỹ được xem là nhằm bảo hộ ngành thủy sản nước này. Một quan chức thương mại Nhật Bản tại Việt Nam cho biết: "Một mình Việt Nam không thể ứng phó với Mỹ một cách hiệu quả, nhưng Việt Nam có thể có được những điều khoản thuận lợi khi có Nhật Bản bên cạnh”.

Chạy đua với RCEP

Một lý do khác cho sự khẩn trương của Việt Nam đối với TPP-11 có lẽ nằm ở Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Vùng (RCEP) do Trung Quốc khởi xướng.

Hiệp định này có thể có độ hấp dẫn tương đương với TPP vì nó bao gồm cả Trung Quốc và Ấn Độ. Nhưng nếu RCEP thực sự được thông qua, thì Trung Quốc sẽ có ảnh hưởng khá lớn đối với các thành viên khác trong khối.

Trong năm 2016, 28,7% kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam là đến từ Trung Quốc, cao hơn bất kỳ quốc gia nào khác. Mặc dù có mối quan hệ thương mại chặt chẽ, hai nước vẫn có một số mâu thuẫn nhất định.

Việt Nam hy vọng sẽ kết thúc quá trình đàm phán TPP-11 bên lề hội nghị thượng đỉnh APEC sắp tới. Trong cùng lúc đó, Việt Nam sẽ cố gắng dùng TPP-11 làm cơ sở để theo đuổi các điều khoản có lợi trong đàm phán thương mại song phương với Mỹ.

Nếu TPP-11 trở thành hiện thực, thì RCEP sẽ khó có cơ hội được thông qua, gây ảnh hưởng tới kế hoạch tăng cường xuất khẩu của Trung Quốc.

Theo bình luận của Nikkei, cách mà Việt Nam đã hành động trong các cuộc đàm phán TPP-11 cho thấy "khả năng đàm phán đầy khéo léo".

Quỳnh Như

Nguồn Nikkei Asian Review


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới