Hủy

Từ Hallyu nghĩ về “Sóng Việt Nam”

Thứ Ba | 26/07/2016 08:30

Không phải vô cớ mà Hàn Quốc cứ đem các bộ phim ăn khách nhất của mình sang trình chiếu tại Việt Nam.
 

Hai mươi năm trước, lần đầu tiên phim Hàn được trình chiếu ở Việt Nam. Chẳng ai ngờ những bộ phim Mối Tình Đầu, Hoa Cúc Trắng, Cảm Xúc, Giày Thủy Tinh... lại có thể tạo nên cơn sốt và làm mê mẩn lòng người đến vậy. Có người sau hàng chục năm vẫn còn nhớ từng chi tiết của phim. Mê phim, nhiều người thần tượng diễn viên, bắt chước cách trang điểm, ăn mặc đi đứng của họ, thậm chí học theo cả lối suy nghĩ, hành xử... Nhiều người còn mong ước một lần đến xứ Hàn để dạo bước ngắm nhìn cảnh trời Seoul, đảo Jeju, cảng Busan…, những địa danh luôn được nhắc đến trong phim.

Hai thập niên nhìn lại, mới thấy Hàn Quốc không phải vô cớ đem các bộ phim “ăn khách” nhất của mình sang trình chiếu tại Việt Nam. Qua những bộ phim này, họ đã vào thị trường Việt Nam cũng như các nước châu Á bằng làn sóng Hàn Quốc “Hallyu” rất êm ái nhưng cũng đầy mạnh mẽ. Nay làn sóng này lan rộng khắp châu Á với K-Pop, phim ảnh, thời trang... Người ta xác định làn gió Hallyu tại châu Á vào năm 2005 khi doanh thu xuất khẩu sản phẩm văn hóa của xứ Hàn lên tới 22 tỉ USD. Làn sóng này làm thay đổi rất mạnh những cái nhìn về xuất khẩu của Hàn Quốc: những sản phẩm xuất khẩu của Hàn Quốc đều ít nhiều dính dáng đến văn hóa.

Không quá lời nếu nói Hallyu đã là chất xúc tác thúc đẩy hàng hóa và các doanh nghiệp xứ kim chi tới Việt Nam. Hàn Quốc hiện trở thành nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam, xét cả về số lượng dự án lẫn vốn đầu tư. Vốn FDI của Hàn Quốc vào Việt Nam tính tới tháng 6/2016 là 48,5 tỉ USD. Những tập đoàn hùng mạnh của Hàn Quốc như Samsung, LG, Kumho, Posco và Lotte... xác lập tên tuổi tại Việt Nam trong mọi lĩnh vực, từ công nghệ, bất động sản, cho đến thời trang, bán lẻ... Qua đó, các nhãn hàng thời trang, mỹ phẩm, thực phẩm của Hàn Quốc trở thành những thương hiệu rất quen thuộc với người tiêu dùng Việt Nam. Lượng du khách Việt Nam đến Hàn Quốc tăng đều qua các năm: năm 2015 là hơn 160.000 lượt, 6 tháng đầu năm nay đã đạt 112.746 lượt.

Hiện tại, Việt Nam chỉ đứng sau Trung Quốc và Mỹ trong đóng góp doanh thu xuất khẩu cho Hàn Quốc. Năm 2015, Việt Nam nhập khẩu từ Hàn Quốc 26,7 tỉ USD các mặt hàng chủ yếu là điện thoại, linh kiện điện tử, máy móc...

Tu Hallyu nghi ve “Song Viet Nam”
Giới trẻ Việt Nam đón ngôi sao Hàn Quốc Lee Jong Suk. Ảnh: kenh14.vn

Với đặc điểm này, Hàn Quốc đã xem Việt Nam là thị trường mục tiêu và không ngừng đầu tư mở rộng. Hoạt động đầu tư, giao thương mạnh mẽ đến mức Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-Hàn Quốc đã được ký kết đầu tháng 5 năm ngoái và chính thức có hiệu lực từ 20.12.2015. Đáng nói là người tiêu dùng Việt Nam lại rất dung hòa trước làn sóng thâm nhập của hàng hóa Hàn Quốc. Đây có lẽ là thành công lớn nhất của nước này sau bao năm kiên trì theo đuổi mục tiêu chinh phục khách hàng Việt Nam qua con đường văn hóa nghệ thuật.

Hàn Quốc không phải là nước châu Á duy nhất thực hiện chiến lược xây dựng quyền lực mềm thông qua các hoạt động văn hóa, nghệ thuật. Nhật, Thái Lan từ lâu cũng đã đi những bước tương tự tại Việt Nam. Thập niên 90 là giai đoạn của những tiên phong và khai phá. Lúc bấy giờ, chưa nhà đầu tư nào vội đặt nhà máy, xí nghiệp hay bán sản phẩm. Nhật, Hàn Quốc, Thái Lan cứ âm thầm, bền bỉ, mượn các đài truyền hình ở Việt Nam để phủ sóng phim ảnh. 

Công cuộc truyền bá này thoạt đầu tưởng chỉ thuần túy về giao lưu văn hóa. Nhưng càng về sau, khi nhiều sản phẩm, dịch vụ của họ liên tục xuất hiện hoặc được nhắc đến một cách khéo léo, người ta mới biết, phim ảnh là bước dọn đường cho cả một chiến dịch thâm nhập kinh tế có tính toán, được chuẩn bị công phu và kiên trì. Ở một bước cao hơn, những quốc gia này tiến tới nâng cao giá trị “quyền lực mềm”, xác lập các giá trị văn hóa, kỹ thuật, tính nhân văn... để gây ảnh hưởng lên các nước khác.

Người dân càng hồ hởi, say mê hàng hóa Hàn Quốc, Nhật, Thái Lan bao nhiêu, các doanh nghiệp Việt Nam càng lo ngại bấy nhiêu. Lo nhất là hàng hóa bị thua ngay trên sân nhà khi hàng Thái, hàng Nhật bắt đầu tràn ngập. Nhưng nếu nhìn vào chiến lược thâm nhập có tính toán và chuyên nghiệp, mới thấy những rào cản kỹ thuật cũng không đủ sức ngăn chặn những “làn sóng” này.

Trong bối cảnh ấy, thay vì chỉ tìm giải pháp đối phó cạnh tranh, doanh nghiệp Việt Nam cũng nên tìm cách bắt kịp chiến lược tạo sóng văn hóa để mở đường cho kinh tế. Nhưng khó cho Việt Nam là biểu tượng văn hóa còn mơ hồ, thương hiệu quốc gia còn mờ nhạt, thương hiệu doanh nghiệp còn quá nhỏ bé. Các sáng tác văn học, phim ảnh, ca khúc… của Việt Nam không thiếu những tác phẩm tiêu biểu, nhưng lại cũng chưa được khai thác đủ để tạo hiệu ứng lan tỏa và hỗ trợ cho kinh tế. Giới văn nghệ sĩ Việt Nam cũng chưa tham gia vào việc dùng tài năng và uy tín cá nhân để góp phần thúc đẩy kinh tế đất nước một cách bài bản, như Hàn Quốc, Nhật… đã làm.

Lác đác đâu đó chúng ta thấy một vài thành công của phim ảnh Việt Nam ở tầm vóc quốc tế để khai thác ảnh hưởng của văn hóa đại chúng. Gần đây nhất là bộ phim Tôi Thấy Hoa Vàng Trên Cỏ Xanh. Bộ phim trở thành tác phẩm điện ảnh Việt ăn khách thứ 2 trong lịch sử phòng vé nước nhà. Tờ báo chuyên về phim ảnh của Mỹ còn có bài viết về bộ phim này. Phim đạt nhiều giải thưởng lớn và phim trường trở thành địa điểm tham quan. Đây có lẽ là những giá trị mà chính nhà đầu tư cho phim cũng không ngờ tới. Quá ít thành công để mơ tới một “làn sóng Việt Nam”. Nhưng có còn hơn không.

Trong khi đó, ngay cả ông Kang Cheol Keun, Chủ tịch Hiệp hội Giao lưu văn hóa quốc tế Hallyu, cũng từng nhận định: “Văn hóa truyền thống Việt Nam không thua kém bất cứ nước nào trên thế giới. Đối với các nước thế giới thứ ba, việc quảng bá văn hóa là con đường hữu hiệu để giới thiệu mình ra thế giới”.

Thủy Ngọc


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới