Hủy
Tài Chính

ĐHCĐ Sacombank: Chưa có tỷ lệ sáp nhập chính thức với Southern Bank

Thứ Ba | 21/04/2015 09:00

HĐQT Sacombank cũng đã trình kế hoạch thành lập 3 công ty trực thuộc, hoạt động trong các lĩnh vực tài chính, bảo hiểm nhân thọ và phi nhân thọ.
 

Sáng nay (21/4), Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank - STB) tổ chức họp ĐHĐCĐ thường niên 2015.

Kết thúc Đại hội, cổ đông thông qua nội dung tất cả các tờ trình.

Chưa có tỷ lệ sáp nhập chính thức với Southern Bank

Đại hội chấp thuận việc sáp nhập Ngân hàng TMCP Phương Nam (Southern Bank) vào Sacombank và ủy quyền cho HĐQT triển khai nghiên cứu xây dựng đề án. Sau khi Đề án sáp nhập được các cơ quan chức năng chấp thuận nguyên tắc, HĐQT sẽ trình cổ đông xem xét, quyết định. Thời gian thực hiện trong năm 2015. 

Ông Kiều Hữu Dũng, Chủ tịch HĐQT Sacombank cho biết, tỷ lệ sáp nhập và số liệu chi tiết về việc sáp nhập chưa được chính thức công bố. Khi có kế hoạch chính thức, HĐQT sẽ báo cáo tới các cổ đông.

Tuy nhiên, trong cuộc họp ĐHCĐ Southern Bank diễn ra chiều ngày 20/4, ông Trầm Bê, Cố vấn Cao cấp Southern Bank, Phó Chủ tịch thường trực Sacombank tiết lộ tỷ lệ hoán đổi dự kiến 1:0,75, tức 0,75 cổ phiếu Sacombank đổi 1 cổ phiếu Southern Bank.

Nhiều cổ đông tại cuộc họp bày tỏ lo lắng về tỷ lệ sáp nhập trên, nếu điều đó trở thành sự thật. Theo phân tích của các cổ đông, giá cổ phiếu Southern Bank hiện giao dịch trên UpCOM với giá khoảng 5.000 đồng/đơn vị, trong khi cổ phiếu STB giao dịch khoảng 17.000 đồng/đơn vị. Do đó, dự đoán giá cổ phiếu STB trong 2 năm nữa sẽ "xuống dốc không phanh".

Ngoài ra, nợ xấu của Southern Bank trong mấy năm qua đều ở mức hơn 5%/năm. Vì vậy, theo đánh giá của cổ đông, sức sống của ngân hàng này là "què quặt".

Lý giải về việc sáp nhập này, ông Trầm Bê, Phó Chủ tịch thường trực Sacombank cho biết,  việc sáp nhập Southern Bank với Sacombank là có lợi cho cả hai.

Theo ông Trầm Bê, thứ nhất, nợ xấu 5% - 3% đối với Ngân hàng thì không nói, các ngân hàng đều dính. Thứ hai, việc sáp nhập là có lời vì Southern Bank có mấy trăm phòng ban, có 4.000 nhân viên sẵn có không cần đào tạo. STB có đầu tư 5 -10 nghìn tỷ đồng cũng không đào tạo nổi trong thời gian ngắn. 

Bổ sung ý kiến này, ông Dũng cho biết, Sacombank đang trên đà tăng thị phần, hệ thống mạng lưới, chi nhánh. Ngân hàng lớn khi sáp nhập ngân hàng nhỏ để tìm được mục tiêu lớn trong tương lai. STB muốn tăng hệ thống bán lẻ, hệ thống kiểm soát nội bộ, muốn lên 1 tầng cao mới thì phải chịu thiệt thòi trước mắt.

Tăng vốn điều lệ thêm 2.427,5 tỷ đồng

HĐQT đề xuất tiếp tục tăng vốn điều lệ theo Nghị quyết ĐHCĐ 2014 chưa được thực hiện đầy đủ (phát hành cổ phiếu thưởng và trả cổ tức 2013 bằng cổ phiếu) và chia cổ tức 2014 bằng cổ phiếu tỷ lệ 12%. Vốn điều lệ sẽ tăng thêm 2.427,5 tỷ đồng, đạt 14.852,65 tỷ đồng vào cuối năm 2015.

Theo đó, công ty dự kiến thực hiện phát hành 1,425 triệu cổ phiếu thưởng, 9,14 triệu cổ phiếu trả cổ tức 8% năm 2013 và 13,71 triệu cổ phiếu trả cổ tức 12% năm 2014.

Vốn chủ sở hữu dự kiến tăng trong năm 2015 được sử dụng để bổ sung vốn, thành lập mới  Ngân hàng, góp vốn mua cổ phần; đầu tư tài sản cố định và kinh doanh sinh lời.

Năm 2015, công ty lên kế hoạch tổng tài sản 214.550 tỷ đồng, tăng 14% so với năm trước. Tổng nguồn vốn huy động đạt khoảng 191.200 tỷ đồng, tăng 14%. Kiểm soát nợ xấu không quá 2,5%. 

Lợi nhuận trước thuế năm 2015 khoảng 3.000 tỷ đồng, tăng 5,2% so với năm trước. Tỷ lệ cổ tức từ 8% - 10%

Thành lập 3 công ty trực thuộc và liên doanh

Theo nội dung tờ trình, HĐQT đề xuất thành lập Công ty Tài chính dưới hình thức Công ty TNHH một thành viên trực thuộc Sacombank, dự kiến vốn điều lệ 500 tỷ đồng.

Chức năng hoạt động bao gồm cả nghiệp vụ bao thanh toán, tín dụng tiêu dùng, cho thuê tài chính, thẻ tín dụng, … và các hoạt động khác theo quy đinh của Pháp luật; hoặc chuyển đổi/ sáp nhập hoạt động của Công ty Cho thuê tài chính (Sacombank Leasing) hiện hữu thành Công ty tài chính với mô hình hoạt động tổng hợp. 

Thành lập Công ty bảo hiểm nhân thọ dưới hình thức liên doanh với đối tác nước ngoài, theo một trong các loại hình doanh nghiệp bảo hiểm mà Pháp luật cho phép. Dự kiến vốn góp là 500 tỷ đồng.

Đề nghị chấp thuận chủ trương mua lại hoặc thành lập mới Công ty bảo hiểm phi nhân thọ, theo một trong các loại hình doanh nghiệp bảo hiểm mà Pháp luật cho phép. Dự kiến vốn đầu tư là 300 tỷ đồng.

Nguồn NCĐT


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới