Hủy
Tài Chính

Ai sẽ chịu thiệt nếu toàn cầu hóa thoái lui?

Thứ Hai | 13/03/2017 12:32

Những người dân túy ở châu Âu và Mỹ lập luận rằng toàn cầu hóa đã làm lợi cho giới thượng lưu và gây hại cho người lao động bình thường.
 

Chủ nghĩa dân túy đang nổi lên ở châu Âu và Mỹ. Phong trào này lập luận rằng toàn cầu hóa đã làm lợi cho giới thượng lưu và gây hại cho những người lao động bình thường, và đã đến lúc phải ưu tiên đặt lợi ích quốc gia lên trên hết. Điều này đồng nghĩa với việc bảo hộ cho ngành sản xuất trong nước, cũng như hạn chế các dòng chảy lưu thông nhân lực, hàng hóa và vốn đầu tư. Gần đây, tổng thống Mỹ Donald Trump còn nêu ra ý định bỏ qua một số quy tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và áp thuế lên các nước có hoạt động thương mại được cho là "không công bằng".

Có ý kiến cho rằng thế giới có thể sẽ bước vào giai đoạn kinh tế thứ ba kể từ cột mốc năm 1945, sau giai đoạn Bretton Woods từ năm 1945 đến đầu những năm 1970 (cố định tỷ giá hối đoái và phục hồi kinh tế) và giai đoạn toàn cầu hóa năm 1982 - 2007. Mỗi giai đoạn đều kết thúc bằng một cuộc khủng hoảng: lạm phát trì trệ trong những năm 70 của thế kỷ trước và cuộc khủng hoảng tín dụng năm 2008. Giai đoạn thứ ba tới đây có thể chứng kiến việc trào lưu toàn cầu hóa thoái lui lần đầu tiên kể từ năm 1945.

Đây là trọng tâm của một chương trong bản nghiên cứu Equity-Gilt mới đây của tập đoàn ngân hàng Barclays, với mục tiêu đem lại cái nhìn toàn cảnh về tài chính. Các tác giả chỉ ra rằng, toàn cầu hóa từng phải lùi một bước dài sau năm 1914, thời điểm nổ ra Thế chiến thứ Nhất. Giai đoạn 1914-45 là một trong những giai đoạn đen tối nhất trong lịch sử thế giới, được đánh dấu bằng hai cuộc chiến tranh thế giới và cuộc Đại khủng hoảng. Phải tới những năm 1990, tỷ trọng thương mại thế giới trên GDP mới quay lại mức đầu thế kỷ 20.

Chẳng mấy ai phản đối luận điểm rằng mở cửa nền kinh tế để tham gia thương mại toàn cầu sẽ mang lại tăng trưởng trong dài hạn, điển hình là trường hợp Trung Quốc trước và sau năm 1979. Nhưng không phải ai cũng được hưởng lợi, và có luận điểm cho rằng lợi ích từ toàn cầu hóa hiện không được phân chia một cách công bằng.

Ngược dòng thời gian về trước năm 1914, những nước như Mỹ và Argentina có khá nhiều đất đai nhưng lại thiếu hụt lao động. Họ xuất khẩu hàng hóa và đón nhận người di cư từ châu Âu, vốn là khu vực bị dư thừa lao động nhưng hạn chế đất đai. Những lao động này bị thu hút bởi mức lương cao hơn nhiều và điều này theo thời gian khiến chênh lệch thu nhập thực giữa hai khu vực được thu hẹp lại. Nhưng điều này lại gây ra sự phẫn nộ đối với giới lao động hiện hữu tại Mỹ. Trong đầu thế kỷ 20, Mỹ đã nhiều lần hạn chế người di cư, dẫn đến sự sụt giảm lực lượng lao động đột ngột cho tới khi nới lỏng các quy định vàonhững năm 1960.

Trong nền kinh tế hiện đại, làn sóng nhập cư bắt nguồn sự chênh lệch thu nhập thực giữa các nước giàu với các nước đang phát triển. Điều đó dẫn tới các làn sóng di cư từ châu Mỹ La-tinh đến Mỹ, hay từ Đông Âu và châu Phi tới Tây Âu. Đây được coi là mối đe đọa của những người bản địa không có tay nghề ở Mỹ và Tây Âu. Trong khi đó, những nhân công trình độ cao của phương Tây có thể tận dụng lợi thế của việc đi lại dễ dàng hơn trong thời buổi toàn cầu hóa, vì những kỹ năng của họ được nhiều doanh nghiệp khắp nơi tìm kiếm. Vì thế họ thường có xu hướng ủng hộ toàn cầu hóa, từ đó dẫn tới sự chia rẽ trong các cuộc bầu cử.

Các doanh nghiệp cũng hưởng lợi lớn từ toàn cầu hóa. Các chuyên gia Barclays cho rằng, các tập đoàn đa quốc gia ngày càng có nhiều cơ hội lựa chọn nơi sản xuất, nơi thực hiện các bộ phận phục vụ sản xuất và nơi đặt trụ sở. Điều này dẫn đến một cuộc chạy đua giảm thuế doanh nghiệp để các nước cạnh tranh với nhau thu hút các tập đoàn đến làm ăn.

Theo Richard Baldwin mô tả trong quyển "The Great Convergence" (tạm dịch: Sự hội tụ vĩ đại), thương mại toàn cầu không còn là cuộc cạnh tranh sản phẩm của các nước với nhau nữa, như xe hơi Đức với xe hơi Nhật, mà giờ đây là cuộc cạnh tranh giữa 'các chuỗi giá trị toàn cầu' của các hãng xe BMW, Toyota, GM... Các chuỗi này hoạt động xuyên biên giới, nhập khẩu các bộ phận rồi tái xuất sản phẩm hoàn thiện. Mỗi một đôla hàng xuất khẩu của Mexico sang Mỹ bao gồm 40 cent giá trị nguyên liệu sản xuất tại Mỹ. Do vậy, áp thuế đánh vào hàng hóa Mexico sẽ khiến Mỹ tự chuốc lấy thiệt hại.

Nhưng sự đời trớ trêu là dù một chính sách có phi lý tới đâu thì cũng không có gì đảm bảo rằng các chính trị gia muốn kiếm phiếu bầu sẽ không theo đuổi chính sách ấy. Việc tìm cách đưa các công ty Mỹ mở lại nhà máy ở trong nước sẽ có tác động lớn nhất tới các nước tham gia nhiều vào chuỗi giá trị toàn cầu. Barclays tính toán rằng 10 nước chịu nhiều tổn thất nhất từ các chính sách bảo hộ sẽ là Singapore, Bỉ, Anh, Hà Lan, Hong Kong, Thụy Điển, Malaysia, Đức, Hàn Quốc và Pháp.

Trong một nền kinh tế phát triển, việc mang các công ty quay lại hoạt động trong nước đồng nghĩa rằng chi phí sản xuất và giá cả hàng hóa sẽ cao hơn, ăn vào mức sống của người lao động bình thường. Bạn có thể tranh luận rằng các việc làm lương cao cũng sẽ quay lại, nhưng vấn đề là các công ty sẽ vẫn phải đối mặt với cạnh tranh từ nước ngoài. Vì vậy, họ có thể thay thế nhân công bằng robot, và chẳng có việc làm mới nào được tạo ra.

Đó là chưa kể các nền kinh tế phát triển cũng phải đối mặt với tình hình tăng trưởng năng suất chậm chạp. Cộng thêm tình hình dân số già hóa và nghỉ hưu nhiều hơn, thật khó để có được mức tăng trưởng đủ để làm hài lòng các cử tri và khiến họ quay lưng lại với chủ nghĩa dân túy. Một giải pháp khả thi để cải thiệu hiệu suất là thay thế nhân công bằng máy móc, nhưng điều này lại càng làm cho các cử tri tức giận hơn.

Trường Văn

Nguồn The Economist


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới