Hủy
Tài Chính

Fed nâng lãi suất, Châu Á đứng trước nguy cơ khủng hoảng nợ

Thứ Ba | 11/04/2017 15:46

Khoảng gần 1 nghìn tỷ USD tiền nợ của các doanh nghiệp Châu Á sẽ đáo hạn vào năm 2021,
 

Hai mươi năm sau cuộc khủng hoảng tài chính ở Châu Á và một thập kỷ sau cuộc khủng hoảng tín dụng toàn cầu, khu vực Châu Á vẫn đang bơi trong biển nợ. Biển nợ này tràn ngập khắp các công ty, ngân hàng, chính phủ và các hộ gia đình, đang tạo nên bong bóng ở tất cả lĩnh vực từ ngành thép ở Thượng Hải cho tới giá bất động sản ở Sydney. Và khi Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất, thì những lo ngại về gánh nặng nợ lại nổi lên.

Fed nang lai suat, Chau A dung truoc nguy co khung hoang no
Cơ cấu nợ của các nước Bắc Á và tỷ lệ dư nợ tín dụng trên GDP; màu cam là nợ hộ gia đình, màu xanh là nợ của các công ty phi tài chính, màu vàng là nợ công. Ảnh: Bloomberg

Các rủi ro của khu vực này có khá nhiều, trong đó có ảnh hưởng từ sự giảm tốc của kinh tế Trung Quốc, biến động giá cả hàng hóa và tiền tệ. Tổ chức xếp hạng S&P Global Ratings đã ước lượng rằng khoảng gần 1 nghìn tỷ USD tiền nợ của các doanh nghiệp Châu Á sẽ đáo hạn vào năm 2021, và có tới 63% số nợ đó là bằng đồng USD, so với chỉ 7% bằng đồng euro.

Fed nang lai suat, Chau A dung truoc nguy co khung hoang no
Cơ cấu nợ của các nước Đông Nam Á và Úc. Ảnh: Bloomberg

Dĩ nhiên, các nước châu Á cũng đã có nhiều biện pháp phòng vệ đáng kể. Nhiều nước đã gia tăng dự trữ ngoại hối của mình, việc phòng ngừa rủi ro cũng đã được chú trọng hơn, và việc cải thiện thị trường trái phiếu nội địa đã tăng thêm nguồn lực tài chính. Và trong khi Fed đã bắt đầu thắt chặt tiền tệ, thì việc Châu Âu và Nhật Bản vẫn tiếp tục duy trì trạng thái nới lỏng tiền tệ đã phần nào bù trừ rủi ro. Lãi suất vẫn thuộc hàng thấp nhất trong lịch sử và hiện tượng tăng phát (reflation) đã khiến chi phí đi vay thấp hơn.

Tuy nhiên, nhịp độ vay mượn đang đi quá tầm kiểm soát. Gánh nặng nợ tại các quốc gia Châu Á sẽ là một vấn đề lớn bởi khu vực này đóng góp nhiều nhất cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Khu vực Châu Á tăng trưởng khoảng hơn 5% trong năm 2017 và 2018, so với mức 3,5% của thế giới, theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).

Sau đây là cái nhìn tổng quan về các nền kinh tế lớn nhất khu vực Châu Á.

Trung Quốc

Tổng dư nợ tín dụng của Trung Quốc đã lên mức 258% GDP, tăng từ mức 158% trong năm 2015. Chủ tịch Tập Cận Bình và chính phủ nước này đã đề ra mục tiêu ghìm cương tín dụng và đòn bẩy là mục tiêu tối thượng trong năm nay, dù rằng tiến trình này có vẻ như đang rất chậm chạp.

Fed nang lai suat, Chau A dung truoc nguy co khung hoang no
Cơ cấu nợ của Trung Quốc trong các năm qua. Ảnh: Bloomberg

Phần lớn số nợ này là nợ doanh nghiệp, chủ yếu đổ vào các doanh nghiệp nhà nước chìm trong nợ nần, hay còn gọi là các "xác sống" (zombie). IMF đã cảnh báo rằng Trung Quốc cần phải nhanh chóng giải quyết tình trạng nợ nần tràn lan của các doanh nghiệp.

Đó là còn chưa tính đến những khối rất lớn nợ của các chính quyền địa phương ở Trung Quốc, và thế giới tăm tối của các hoạt động cho vay ngầm. Đã có rất nhiều dấu hiệu cảnh báo xuất hiện, như là gia tăng tình trạng mất khả năng thanh toán trái phiếu doanh nghiệp và lần đầu tiên một tổ chức huy động tài chính của cấp chính quyền địa phương tại Trung Quốc bị hạ bậc tín dụng.

Hàn Quốc

Sau nhiều năm hưởng lãi suất ở mức thấp và giá bất động sản bùng nổ, tạo động lực giúp kinh tế tăng trưởng, Hàn Quốc giờ đây đang chuyển sang giai đoạn "tỉnh giấc sau cuộc vui".

Fed nang lai suat, Chau A dung truoc nguy co khung hoang no
Nợ hộ gia đình (màu trắng) của Hàn Quốc đã tăng mạnh, song song với việc giảm lãi suất (màu xanh). Ảnh: Bloomberg

Nợ của các hộ gia đình tại đây đang ở mức kỉ lục là 1,2 nghìn tỷ USD, và gánh nặng trả nợ vay đã ảnh hưởng đến chi tiêu tiêu dùng. Các quan chức Hàn Quốc lo ngại rằng nhiều hộ gia đình có thu nhập thấp có thể vỡ nợ nếu Fed nâng lãi suất, khiến lãi suất cho vay tại nước này tăng theo.

Hàn Quốc cũng là nước nợ nần nhiều nhất trong khối OECD, với tỷ lệ vay mượn của các hộ gia đình đã bằng 169% thu nhập sau thuế trong năm 2015, so với mức trung bình 129% của khối.

Nhật Bản

Nhật Bản là một trong những nước vay nợ nhiều nhất thế giới, với gánh nặng nợ công bằng hơn 2,5 lần GDP. Chính phủ nước này cũng cho rằng họ sẽ không đạt được mục tiêu thặng dư ngân sách vào năm 2020, vốn là yếu tố đầu tiên cần có nhằm giảm gánh nặng nợ công của nước này.

Tuy nhiên, Nhật có nhiều khoản đầu tư nước ngoài và tài sản nội địa, có thể được cấn trừ vào gánh nặng nợ. Thêm vào đó, hầu hết các khoản nợ doanh nghiệp và tất cả khoản nợ của chính phủ đều là bằng đồng Yen, và hầu hết trái phiếu chính phủ của nước này được nắm giữ bởi các tổ chức trong nước, vì thế rủi ro dòng vốn tháo chạy không cao.

Úc

Tỷ lệ nợ hộ gia đình trên thu nhập sau thuế của Úc đã lên mức kỉ lục 189%, hầu hết là do vay mua bất động sản. Và trong năm vừa qua, giá trị các khoản vay mua nhà trên GDP đã tăng 6,5%, trong khi thu nhập hộ gia đình chỉ tăng 3%, theo thống đốc Ngân hàng Dự trữ Úc (RBA) Philip Lowe.

Trong khi đó, tốc độ tăng lương hàng năm tại Úc đang ở mức thấp kỉ lục và đà tăng giá tiêu dùng vẫn thấp, nghĩa là Úc không thể in thêm tiền để trả nợ như trong quá khứ.

Vào ngày 4/4, ông Lowe cho biết: “Tốc độ tăng lương thấp khiến các hộ gia đình gặp khó khăn trong việc trả nợ. Với nhiều người, mức nợ cao và tốc độ tăng lương thấp là một cặp bài trùng rất đáng sợ”.

Nhu cầu vay nợ tại Úc tăng cao do cơn bão bất động sản tại Melbourne và Sydney, vốn tăng giá 105% kể từ năm 2009. Một phần nhu cầu bất động sản đến từ việc lãi suất ở mức thấp kỉ lục, và nhiều nhà đầu tư nội địa tận dụng các điều kiện trả nợ dễ dãi và ưu đãi thuế của Chính phủ, phần khác lại do nhà đầu tư Trung Quốc đổ xô mua bất động sản tại Úc.

Fed nang lai suat, Chau A dung truoc nguy co khung hoang no
Nợ vay mua nhà tại Úc (màu cam) tăng cao, trong khi tốc độ tăng lương (màu tím) thì chậm lại. Ảnh: Bloomberg

Ấn Độ

Mặc dù tỷ lệ nợ tại nước này thấp hơn các quốc gia Châu Á khác, có rất nhiều yếu tố liên quan chồng chéo với nhau. Nợ công của Ấn Độ đã lên tới gần 70% GDP, cao hơn nhiều so với các nước cùng được xếp hạng tín dụng BBB, theo Fitch. Nợ doanh nghiệp đang tăng lên, cùng với đà tăng của nợ xấu, tạo nên nhiều rủi ro cho ngành ngân hàng nước này.

Fed nang lai suat, Chau A dung truoc nguy co khung hoang no
Tỷ lệ nợ xấu tại Ấn Độ (màu xanh) đang tăng dần. Ảnh: Bloomberg

Những khoản nợ xấu này khiến chính phủ phải sử dụng tiền thuế  của người dân để cứu các ngân hàng quốc doanh, nhưng cũng chỉ như muối bỏ biển. Fitch đã ước tính rằng Ấn Độ cần khoảng 90 tỷ USD vào năm 2019 để xử lý nợ xấu, nhưng chính phủ nước này chỉ cam kết đưa ra được khoảng 10 tỷ USD. Và với nguồn thu thuế hạn chế, chính phủ Ấn Độ sẽ phải đi vay thêm, khiến gánh nặng nợ công tiếp tục tăng lên.

Đông Nam Á

Các quốc gia ở khu vực này hiện đang có tỷ lệ nợ thấp so với mặt bằng chung của Châu Á, nhưng tỷ lệ đòn bẩy đã tăng lên trong những năm gần đây, và nợ của các doanh nghiệp cộng với hộ gia đình đã trở thành mối lo ngại ở Thái Lan và Malaysia.

Theo một báo cáo gần đây của Standard Chartered về tình hình nợ của Châu Á từ tháng 6/2008 tới tháng 6/2016, tổng nợ của Malaysia đã tăng từ mức 173% GDP lên mức 240% GDP. Đây là mức tăng thuộc hàng mạnh nhất tại Châu Á trong cùng kỳ, và khiến cho Malaysia, một quốc gia có thu nhập trung bình, có mức nợ ngang bằng với Úc, Vương quốc Anh và Italia.

Singapore có mức nợ cao nhất Động Nam Á, nhưng đảo quốc này cũng là một trong những nước giàu nhất thế giới, khi tài sản mà các hộ gia đình nắm giữ lên đến 1,1 nghìn tỷ USD, theo một ước tính.

Philippines và Indonesia đã tránh được việc tăng tỷ lệ nợ, một phần do hệ thống ngân hàng của 2 nước này kém phát triển, khiến các hộ gia đình khó tiếp cận được vốn vay. Indonesia thì có các luật lệ tài khóa rất khắt khe, vốn là một trong những quy tắc được thiết lập từ sau các cuộc khủng hoảng trước đây. Theo đó, trần tỷ lệ thâm hụt ngân sách là 3%, và trần nợ công ở mức 60% GDP.

Bá Ước

Nguồn Bloomberg


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới