Hủy
Tài Chính

Vấn nạn "nhà máy xác sống” tại Trung Quốc

Thứ Sáu | 04/09/2015 15:29

Cứ thêm mỗi tấn xi măng sản xuất ra công ty của ông Miao Leijie lại gánh thêm khoản lỗ, nhưng tạm ngừng sản xuất giờ đây không phải là lựa chọn.
 

Khi khai trương nhà máy xi măng Lucheng Zhuoyue năm 2011 nhằm cung cấp xi măng cho các công trình hạ tầng và bất động sản ở thành phố Changzhi phía bắc Trung Quốc, công ty đã huy động vốn từ các khoản vay ngân hàng. Giờ đây, ông Miao, tổng giám đốc nhà máy, cần tiếp tục sản xuất xi măng, đơn giản chỉ là để công ty có thể có tiền trả lãi vay, thậm chí công ty còn phải vay thêm tiền để có thể hoạt động và tồn tại.

“Nếu chúng tôi ngừng sản xuất, lỗ lã sẽ nghiền nát chúng tôi. Công ty đang làm việc cho ngân hàng”, ông Miao nói.

Thành phố Changzhi và vùng phụ cận với các nhà máy xi măng đang trong tình thế nửa sống nửa chết và nhiều nhà máy khác mặc cho cỏ mọc là một bối cảnh kỳ quái của nền kinh tế Trung Quốc. Giống như nhiều thành phố công nghiệp trên khắp Trung Quốc trong thời kỳ bùng nổ đầu tư, Changzhi có quá nhiều nhà máy trong khi nhu cầu lại quá ít.

Theo các nhà kinh tế, tình trạng dư thừa công suất phải được xóa bỏ thì kinh tế Trung Quốc mới có thể phát triển lành mạnh. Thế nhưng, thay vì đóng cửa, Lucheng Zhuoyue và nhiều công ty khác tại Changzhi đang sống ngắc ngoải.

Để đảm bảo việc làm nuôi sống các nhà máy, chính quyền và các ngân hàng đôi khi vẫn phải bơm tiền cho các doanh nghiệp thua lỗ để chúng sống lay lắt bằng cách cho vay đảo nợ, khoanh nợ, tái cấp vốn và các biện pháp hỗ trợ khác. Tụy việc này có vẻ kỳ quái và phi kinh tế song lại là một phần trong chiến lược quan trọng để duy trì sự ổn định xã hội, mục tiêu chính của giới lãnh đạo Trung Quốc.

Van nan
Những bao xi măng vứt bỏ trong Nhà máy Xi măng 7016. Nhà máy mở cửa năm 1958 và đóng cửa năm 2010, khiến hơn 500 công nhân thất nghiệp.

Không rực rỡ như Thượng Hải hay Thâm Quyến, Changzhi chỉ là một thành phố nhỏ, dân số 3 triệu người, sinh kế phụ thuộc vào hoạt động sản xuất thép và ngành công nghiệp nặng cung ứng cho nền kinh tế tăng trưởng cao liên tục trong nhiều năm. Khi thị trường bất động sản bùng nổ và chính quyền đổ tiền xây dựng đường sá và công trình hạ tầng, các nhà máy xi măng mọc lên khắp thành phố, tạo việc làm có thu nhập tốt. Phố xá cũng thịnh vượng hơn nhờ hàng loạt cửa hiệu, nhà hàng mở ra.

Nhưng rồi kinh tế Trung Quốc giảm tốc, đe dọa sự phồn vinh của thành phố. Tăng trưởng GDP của Trung Quốc quý II/2015 chỉ còn 7%/năm, thấp nhất trong vòng một phần tư thế kỷ qua.

Nhiều tòa nhà chung cư được xây dựng trong thời kỳ bùng nổ giờ đây lại đang gây áp lực lên lĩnh vực bất động sản. Giới thương nhân tại Changzhi phàn nàn rằng các dự án xây dựng của chính quyền địa phương cũng đang ngày một giảm.

Hậu quả là các nhà máy xi măng ở Changzhi lâm vào cảnh dư thừa công suất. Năm 2014, sản lượng xi măng trong tỉnh cao gấp 3 lần nhu cầu. 2/3 số công ty thua lỗ, theo số liệu của Hiệp hội Sản xuất vật liệu xây dựng tỉnh Sơn Tây – nơi có thành phố Changzhi.

Những công ty đầy triển vọng một thời nay biến thành “công ty xác sống”.

Chẳng hạn, công ty xi măng và clinker Huatai với công suất 1 triệu tấn/năm nhưng năm nay chỉ sản xuất tối đa 200.000 tấn. Tuy vậy, là doanh nghiệp nhà nước, Huatai vẫn tiếp tục hoạt động với sự trợ giúp đặc biệt như được mua chịu than đá, vay vốn giá rẻ… để duy trì việc làm cho 300 công nhân – ưu tiên hàng đầu của công ty. “Công nhân cần ăn, cần sống”, một quản lý nhà máy nói.

Van nan
Phía trước Công ty Clinker Xi măng Hutai. Công suất 1 triệu tấn/năm nhưng năm nay công ty chỉ sản xuất tối đa 200.000 tấn. Đến nay công ty đã phải giãn 300 thợ.

Những biện pháp “cứu trợ” như thế có thể giúp duy trì việc làm cũng trì hoãn công cuộc cải tổ ngành công nghiệp của Trung Quốc.

Một nghiên cứu về thị trường lao động Trung Quốc của IMF thực hiện trong tháng 7/2015 cho thấy, các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc có xu hướng giữ chân người lao động mà họ không cần. Từ quan điểm kinh tế, sẽ là tốt hơn nếu để cho các doanh nghiệp đó thu nhỏ quy mô, thậm chí đóng cửa, và để người lao động có kỹ năng có thể tìm việc tại công ty hoặc lĩnh vực có triển vọng. Việc này cho phép chuyển dịch nguồn lực ra khỏi lĩnh vực kinh tế kém hiệu quả, giúp nền kinh tế tăng trưởng trở lại.

Không có sự dịch chuyển như vậy, nền kinh tế sẽ trả giá đắt trong tương lai. Ông Rapahel Lam, phó trưởng đại diện thường trú của IMF tại Bắc Kinh cho biết, các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc cần mạnh tay hơn trong việc thực hiện cải cách theo hướng thị trường và tái cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước. Nếu không thì “về lâu dài rất có khả năng xảy ra một cuộc suy thoái sâu”.

Van nan
Những đống than đá bên ngoài Nhà máy Xi măng Shawang ở Changzi. Nhà máy phá sản và đóng cửa năm 2014.

Tình trạng “công ty xác sống” cũng gây khó khăn cho người lao động. Tuy tỷ lệ thất nghiệp tại Trung Quốc được duy trì ở mức thấp, song công nhân tại Changzi phàn nàn rằng vô cùng khó để tìm được một công việc tốt.

Tại Tập đoàn Xi măng Changzhi, nhiều công nhân vẫn đến nhà máy nhưng không có việc làm và không được nhận lương. Vì nhà máy chưa bao giờ chính thức đóng cửa nên những công nhân này cũng không được hưởng trợ cấp thất nghiệp! Zhao Liwei, 43 tuổi, thợ điện của nhà máy nhưng nay phải làm công nhân quét dọn với mức lương tháng 500 nhân dân tệ (78 USD).

Van nan
Một công nhân tại nhà máy của Tập đoàn Xi măng Changzi. Do nhà máy chưa bao giờ chính thức bị đóng cửa, công nhân tại đây không nhận được bất kỳ khoản trợ cấp hay đền bù nào.

Chính phủ Trung Quốc rất “nhạy cảm” với những khó khăn của người lao động. Lo sợ tình trạng thất nghiệp có thể dẫn tới bất ổn xã hội, chính phủ nước này đặt ưu tiên hàng đầu của chính sách kinh tế là bảo đảm công việc làm. Tại một cuộc họp báo hồi năm ngoái Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường nói rằng, có thể chấp nhận tốc độ tăng trưởng chậm lại chừng nào “bảo đảm được công việc làm và tăng được thu nhập hợp lý cho người dân”.

Vì vậy, Bắc Kinh đang có kế hoạch thông qua hệ thống ngân hàng quốc doanh tiếp tục tài trợ vốn cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng, gián tiếp hỗ trợ cho các ngành sản xuất thép và xi măng. Các viên chức quản lý ở thành phố Changzhi còn muốn nhiều hơn nữa khi yêu cầu chính phủ ấn định giá sàn đối với các mặt hàng xi măng, sắt thép.

Những biện pháp “kích cầu” như vậy chẳng có hiệu quả gì cho nền kinh tế ngoài việc giúp các “công ty xác sống” tiếp tục sống lay lắt qua ngày. Bằng việc bơm thêm các khoản tín dụng và kích thích kinh tế, chính phủ Trung Quốc có thể tạm thời hồi sinh một số nhà máy nhưng lại khiến tình trạng dư thừa công suất trầm trọng hơn và nợ xấu cao hơn.

Theo ước tính của Công ty tư vấn toàn cầu IHS Global Insight, tỷ lệ nợ/GDP của Trung Quốc sẽ tăng lên 254% trong năm nay, gần gấp đôi so với năm 2008. Mức nợ cao như vậy đặt ra những rủi ro vô cùng lớn cho nền kinh tế khi người vay không trả được nợ và kích hoạt một làn sóng phá sản.

Grace Wu, giám đốc cao cấp của công ty xếp hạng tín dụng Fitch tại Hong Kong, cho rằng quy mô nợ cứ tăng dần. Nợ không giúp nền kinh tế tăng trưởng mà cũng không tạo ra công việc làm.

Nhật Trường

Nguồn NYT


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới