Hủy
Thế giới

Doanh nghiệp vạ lây vì thương chiến

Văn Quốc Thứ Hai | 20/05/2019 08:00

Ảnh: bloomberg.com

Từ ngành ô tô cho đến ngành viễn thông, các doanh nghiệp đều lao đao vì căng thẳng thương mại gia tăng.
 

Trong khi các doanh nghiệp đang có quá nhiều điều để phải lo lắng thì giờ họ lại phải đối mặt với áp lực gia tăng từ phía Mỹ. Trong diễn biến mới nhất về cuộc chiến thương mại, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã cho các nhà sản xuất ô tô Nhật và châu Âu thời gian 6 tháng để hạn chế xuất khẩu sang Mỹ và thẳng tay hơn đối với phía Trung Quốc, ngăn cấm giao dịch thương mại với những công ty được xem là rủi ro an ninh và đe dọa sẽ đưa Huawei Technologies Co., tập đoàn công nghệ lớn nhất Trung Quốc, vào danh sách đen thương mại.

Thời gian qua, các công ty trên khắp thế giới đã vô cùng chật vật trước những rào cản thương mại được dựng lên và những mối nghi ngờ mới về sức khỏe của nền kinh tế toàn cầu. Sản lượng công nghiệp Trung Quốc đã chậm lại so với dự báo vào tháng 4 của giới chuyên gia kinh tế, trong khi sản xuất của Mỹ cũng bất ngờ giảm xuống. Chủ tịch Bundesbank Jens Weidmann đã khuyến cáo vào tuần qua rằng tranh chấp thương mại leo thang đang đe dọa tiêm thêm một liều thuốc độc vào nền kinh tế toàn cầu.

Lập trường thương mại của Mỹ “đang khiến tình hình thêm phức tạp đối với các doanh nghiệp... Họ đang rất khó mà lên kế hoạch dài hạn cũng như đầu tư kinh doanh”, David Page, chuyên gia kinh tế cấp cao tại Axa Investment Managers ở London, nhận định.

Ông Trump sẽ cho Liên minh châu Âu (EU) và Nhật 180 ngày để thống nhất về một thỏa thuận mà theo đó sẽ hạn chế hàng nhập khẩu vào Mỹ đối với ô tô và các linh kiện ô tô đổi lấy việc trì hoãn áp các thuế quan ô tô mới, theo một tài liệu được Bloomberg dẫn ra.

Doanh nghiep va lay vi thuong chien
 

Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã xác định hàng ô tô nhập khẩu đang là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia qua việc gây thiệt hại cho các nhà sản xuất nội địa và ảnh hưởng đến khả năng đầu tư vào các công nghệ mới, theo tài liệu nói trên.

Vụ việc diễn ra vào một thời điểm tréo ngoe: Các nhà sản xuất đã và đang đối mặt với doanh số bán sụt giảm mạnh tại Trung Quốc, thị trường ô tô lớn nhất thế giới, càng làm gia tăng cạnh tranh toàn cầu và các khoản chi khổng lồ vào phát triển xe điện và công nghệ xe không người lái. Sau thông tin này, chỉ số Stoxx 600 Automobiles & Part Index của châu Âu đã giảm tới 1,8% vào thứ Năm tuần qua.

Thực vậy, doanh số bán tại Trung Quốc của Jaguar Land Rover Automotive PLC đã giảm hơn 1/3 trong 9 tháng kết thúc vào tháng 12.2018 và đang tiếp tục trượt dài, theo thông báo từ Công ty. Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đã làm cho đà giảm càng sâu hơn, theo CEO Ralf Speth. Ông kỳ vọng “các vấn đề địa chính trị giữa Mỹ và Trung Quốc có thể được giải quyết nhanh chóng”. Koji Ikeya, Giám đốc Tài chính của Mitsubishi Motors, cũng tỏ ra lo ngại tranh chấp thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc cũng như giữa Mỹ và châu Âu là 2 trong số những yếu tố chính ảnh hưởng mạnh mẽ đến ngành ô tô toàn cầu.

Doanh nghiep va lay vi thuong chien
 

Vào tháng 2 vừa qua, Akio Toyoda, Chủ tịch Toyota Motor, đã đứng ở vai trò là Chủ tịch Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Nhật để thúc giục ông Trump “đưa ra một quyết định cân nhắc và thích hợp”, cho rằng ô tô nhập khẩu không hề đe dọa an ninh quốc gia Mỹ. Toyota đã gia tăng đầu tư vào Mỹ trước mối đe dọa về thuế quan, khi tăng thêm khoảng 3 tỉ USD sau nhiều năm đẩy mạnh đầu tư vào thị trường này.

Suy cho cùng, tăng thuế quan sẽ đẩy gánh nặng tăng giá bán về phía người tiêu dùng. Tại Walmart Inc., nhiều sản phẩm đã tránh được mức thuế quan nặng nhất và kết quả quý I vẫn còn khả quan. Nhưng viễn cảnh hàng hóa Trung Quốc bị áp mức thuế quan cao hơn có thể tác động trực tiếp đến tình hình kinh doanh của Walmart, buộc Tập đoàn và các nhà bán lẻ khác phải chọn giữa tăng giá bán và hy sinh lợi nhuận.

“Chúng tôi sẽ làm mọi thứ có thể để giữ giá ở mức thấp nhưng việc thuế quan tăng lên lại đẩy giá bán cao hơn”, Brett Biggs, Giám đốc Tài chính của Walmart, nhận định. Đó cũng là nỗi lo ngại tại chuỗi cửa hàng Macy’s Inc. “Rất khó để tìm được một biện pháp khả dĩ giúp tránh bị tác động từ phía khách hàng”, CEO Jeff Gennette nhận định vào giữa tuần qua.

Doanh nghiep va lay vi thuong chien
 

Thuế quan đã “kích hoạt một môi trường lạm phát”, theo CEO Greg Longstreet của Del Monte Foods Inc. Mức thuế quan đối với hàng nhập khẩu nhôm và thép đã khiến chi phí đóng hộp tăng tới 25%, ông cho biết, trong khi chi phí vận chuyển và thị trường lao động khó khăn cũng đang đẩy cao giá bán.

Ngành viễn thông cũng đang đối mặt với mối đe dọa toàn cầu. Nếu Tổng thống Donald Trump cấm Huawei mua các linh kiện cần thiết, thì tác động sẽ còn lan rộng. Nó có thể làm ảnh hưởng mạnh đến hoạt động kinh doanh của các nhà sản xuất chip Mỹ từ Qualcomm Inc. cho đến Micro Technology Inc. và có khả năng cản trở việc ra mắt mạng không dây 5G trên khắp thế giới. Giá cổ phiếu của cả hai công ty Mỹ nói trên đều đã giảm sau thông tin về Huawei. Tại châu Á, giá cổ phiếu của các nhà cung cấp cho Huawei, trong đó có Sunny Optical Technology Group và AAC Technologies Holdings cũng đã giảm mạnh vào thứ Năm tuần qua.

Nhưng các nhà cung cấp có trụ sở tại Mỹ cũng có thể bị tác động: Huawei đã nói rằng dành khoảng 1/3 ngân sách của Công ty, tức khoảng 11 tỉ USD hằng năm, vào việc mua các linh kiện Mỹ. Trong số 92 nhà cung cấp hàng đầu của Huawei có 33 nhà cung cấp là các công ty Mỹ/

(Theo Bloomberg)


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới