Hủy
Thế giới

Giáo sư Lê Văn Cường: “Tôi tôn thờ đạo năng suất”

Nguyệt Nguyễn Thứ Ba | 09/08/2016 08:30

Công trình của GS Cường ảnh hưởng lớn tới chính sách vĩ mô của Pháp, và được xem như nền tảng để phát triển các nghiên cứu kinh tế học hiện đại.
 

Khởi nghiệp với vị trí kỹ sư mỏ nhưng chàng thanh niên gốc Hà Nội Lê Văn Cường nhanh chóng nhận ra đam mê của mình là lĩnh vực nghiên cứu. Đam mê này không chỉ đưa ông tới danh vị giáo sư, mà còn được các nhà kinh tế học thế giới trìu mến đặt cho nhiều cái tên gọi như “Người thầy lớn”, “Giáo sư của các giáo sư” hay “Nhà kinh tế học đáng kính”... Trở lại quê hương trong khóa đào tạo ngắn ngày, Giáo sư Cường mang nhiều chiêm nghiệm về cuộc đời nghiên cứu toán học ứng dụng trong kinh tế vĩ mô và những trăn trở về nền kinh tế của đất nước trong dòng chảy cạnh tranh toàn cầu hóa.

Được biết đến như một nhà khoa học có uy tín trên thế giới, từng được vinh danh trên các diễn đàn khoa học, giữ nhiều chức vụ quan trọng trong các viện nghiên cứu, trung tâm học thuật quốc tế, nhưng trong ngôi nhà bình dị của vị giáo sư nằm ẩn mình giữa thủ đô Paris hoa lệ thì vật dụng mà ông yêu quý nhất chính là chiếc đàn dương cầm nhiều năm tuổi. Trong phòng khách, nổi bật bức hình một nhà sư áo vàng và xung quanh phòng chứa rất nhiều sách, tài liệu. Cuộc sống của Giáo sư như một bản nhạc trầm khi ông chọn cuộc sống độc thân và lặng lẽ gắn trọn đời cho sự nghiệp nghiên cứu các biến số kinh tế vĩ mô phức tạp.

Giáo sư của các giáo sư

Giáo sư Cường tự nhận mình rất quan tâm đến các vấn đề xã hội học và âm nhạc, nhưng ông cũng bị thu hút bởi lĩnh vực toán ứng dụng trong kinh tế học lý thuyết. Đó chính là lý do “khiến” ông trở thành tác giả của 80 công trình nghiên cứu lớn trên các tạp chí kinh tế uy tín và thuyết giảng tại các trường đại học danh tiếng tại Anh, Pháp, Bỉ và Thụy Sĩ…

Năm 1973 tại Paris, ông tham gia nghiên cứu, hoàn thiện và nâng cấp các mô hình kinh tế vĩ mô tại Nhóm Phân tích kinh tế vĩ mô ứng dụng GAMA với hơn 3.000 phương trình toán học. Công trình GAMA có tầm ảnh hưởng lớn tới chính sách vĩ mô của nền kinh tế Pháp và được giới khoa học toàn cầu xem như nền tảng để phát triển các nghiên cứu kinh tế học hiện đại về sau. Hướng nghiên cứu của ông tập trung vào học thuyết Cân bằng tổng thể trong thị trường tài sản, tối ưu hóa, tăng trưởng nội sinh của nền kinh tế.

Có 2 thành tựu nổi bật nhất của Giáo sư Cường được đồng nghiệp nghiên cứu khắp nơi trên thế giới ghi nhận. Đầu tiên là ứng dụng thành công phương trình toán học nhằm hoàn thiện học thuyết cân bằng tổng thể. Kế đến là những phân tích thực nghiệm về mô hình kinh tế vĩ mô MOGLI và DMS giúp giải thích và làm rõ động lực thực của nền kinh tế Pháp trong ngắn hạn, trung hạn và làm cơ sở để ước lượng tác động dài hạn. Để có được thành tựu này, Giáo sư Cường xử lý dữ liệu dựa trên quá trình sản xuất của 10 ngành công nghiệp và các đơn vị phi sản xuất trong đó áp dụng gần 1.300 phương trình tính toán.

Ông lý giải sự đam mê một cách đơn giản đến không ngờ: “Tôi muốn sử dụng nền tảng toán học để giải thích các vấn đề kinh tế đi từ khởi điểm đến kết luận một cách logic nhất, nhằm hoàn thiện các mô hình kinh tế vĩ mô và kiểm chứng học thuyết kinh tế trừu tượng, đồng thời ứng dụng chúng biện giải các vấn đề kinh tế xã hội”.

Giao su Le Van Cuong: “Toi ton tho dao nang suat”
Theo giáo sư Lê Văn Cường, hiệu suất lao động của người Việt Nam từ lâu dựa trên tư tưởng “khoán” nhưng không minh bạch nên dẫn đến nhiều hệ lụy. Ảnh: Sơn Phạm

Giáo sư kinh tế Dominique Plihon, Trưởng khoa Tài chính ngân hàng, Đại học Paris 13, đã trân trọng dành tặng cho người bạn giáo sư đến từ Việt Nam tên gọi “Giáo sư của các giáo sư” là có cơ sở. Bởi lẽ, người thầy Lê Văn Cường không chỉ xuất sắc trên cương vị là nhà nghiên cứu khoa học mà con trên cương vị quản lý những “bộ óc thiên tài” khác. Ông từng đảm nhiệm rất nhiều chức vụ quản lý như: Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu toán, thống kê và kinh tế Toán (CERMSEM); Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu về Luật, Kinh tế và Quản lý (GREDEG); Giám đốc Trung tâm Kinh tế Sorbonne (CES); Phó Giám đốc Khoa học của Viện Khoa học Xã hội và Nhân văn (INSHS) thuộc Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia Pháp (CNRS).

Khi quản lý đồng thời nhiều trung tâm nghiên cứu, gồm nhiều nhà khoa học hay giáo sư hàng đầu thì thách thức lớn nhất của vị giáo sư gốc Việt, theo ông, lại không phải là vấn đề tri thức mà nằm ở yếu tố con người. Để đồng nghiệp làm khoa học vừa vui, vừa chủ động làm theo chỉ thị từ nhà quản lý mà vẫn đảm bảo chất lượng nghiên cứu là việc khó khăn vô cùng. Kinh nghiệm mà ông rút ra trong gần 2 thập niên làm quản lý là “việc áp đặt suy nghĩ của người quản lý là không thể  khả thi khi tương tác với những bộ não khoa học hàng đầu thế giới”.

Khi trải lòng về cuộc đời hơn nửa thế kỷ làm khoa học, đôi mắt của Giáo sư trở lên long lanh hơn khi hồi tưởng lại những “khoảnh khắc lóe sáng của niềm vui”. Theo ông, đó không chỉ là niềm vui vì được sự ủng hộ, công nhận của đồng nghiệp khắp nơi trên thế giới, mà còn có nhiều niềm vui dung dị và sâu lắng hơn nhiều. Có những đề tài nghiên cứu bị bế tắc hơn 10 năm. Dù ý tưởng và linh cảm giải quyết vấn đề đã có, nhưng ông không sao tìm được các luận chứng khoa học để chứng minh. Vậy mà vô tình trong lúc đọc báo, giải pháp chứng minh đã lóe sáng trong đầu vị giáo sư nhiều kinh nghiệm.

Đối với một nhà nghiên cứu như Giáo sư Lê Văn Cường, việc đi dự hàng chục hội thảo khoa học chuyên sâu mỗi năm cũng tạo ra không ít áp lực, vì trong thời lượng một ngày, ông phải nghe hết hàng chục đề tài có tính khoa học và hàm lượng kiến thức cao. “Tôi nghe được 2-3 bài hiểu hết là đã vui rồi”, ông chân thành bộc bạch. Áp lực khác còn nằm ở việc trong quá trình viết báo, ông luôn trăn trở những điều mình nghiên cứu trước khi gửi đi có đủ tính chính xác chưa. Có nhiều đêm tỉnh giấc và giải toán trong cả giấc ngủ, thức giấc bật dậy là ngồi bàn và ghi lại ngay.

Trăn trở với lớp tri thức kế cận

Quan điểm của Steve Jobs, cố CEO của hãng công nghệ Apple, rằng đỉnh cao của trí tuệ ẩn chứa bên trong sự đơn giản, có lẽ là nhận định chính xác nhất mà các học viên, nghiên cứu sinh dành tặng cho người thầy đáng kính Lê Văn Cường. Ông tự nhận mình là người hướng dẫn “kỹ tính và nghiêm nghị” khi bản thân mất nhiều công sức để góp ý, điều chỉnh tỉ mỉ cho các luận văn nghiên cứu hay các bài báo khoa học của học trò nhằm hạn chế tối đa những sai sót liên quan đến luận cứ khoa học. Nhiều thế hệ nghiên cứu sinh cũng nhận định Giáo sư Lê Văn Cường là “bậc thầy của lòng hiền từ và tậm tâm”. Bởi lẽ, ông luôn đặt ưu tiên khi giảng dạy là người thầy tốt cần có kỹ năng đơn giản hóa vấn đề khoa học phức tạp.

Động lực để Giáo sư Lê Văn Cường dù đã ở độ tuổi nghỉ hưu vẫn nhiệt huyết thành lập Trung tâm Nghiên cứu kinh tế, quản trị và môi trường Việt Nam (VCREME) có lẽ xuất phát từ kinh nghiệm giảng dạy ông tích lũy được với các nghiên cứu sinh người Việt. Đối với các nghiên cứu sinh này khi đến Pháp du học, Giáo sư vừa nghiêm khắc, vừa bao dung khi thực tế họ thiếu kiến thức kinh tế, toán nền tảng, kể cả những người đang là giảng viên ở một số trường đại học lớn trong nước. Đó là lý do ông không quản ngại gian nan, tâm huyết lập VCREME để cung cấp các khóa dự bị thạc sĩ hoặc tiến sĩ để trang bị những kiến thức nòng cốt nhất trong hành trang bước vào lĩnh vực nghiên cứu khoa học quốc tế. Đặc biệt hơn, ông truyền đạt tư tưởng rằng người nghiên cứu cần tập trung tâm ý vào tích lũy kiến thức, tri thức hơn là học vị đơn thuần.

Giao su Le Van Cuong: “Toi ton tho dao nang suat”
Giáo sư Lê Văn Cường giảng dạy cho các học viên trong nước. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Giọng Giáo sư trở nên trầm ấm khi đưa ra lời khuyên dành cho những nhà nghiên cứu khoa học trẻ của Việt Nam. Theo ông, nghiên cứu là công việc chứa nhiều rủi ro. Ngoài việc phải say mê, kiên định và trung thực, sự nghiệp nghiên cứu đòi hỏi sự hy sinh rất lớn. Người lỡ đam mê nghiên cứu, khi theo đuổi sự nghiệp này, cần nhất không phải là sự công nhận của cộng đồng mà là sự cảm thông của người thân do họ không thể cùng lúc vừa quan tâm cuộc sống thường nhật, vừa hết mình với các vấn đề đang nghiên cứu. Sự thật là nhà nghiên cứu khoa học thường rất cô đơn, bằng chứng là trong một trung tâm mà Giáo sư Lê Văn Cường làm Giám đốc, có đến hơn 30% nhân sự sống độc thân.

Vị giáo sư nổi tiếng thế giới đặt ra nhiều trăn trở về các vấn đề cốt lõi của nền kinh tế Việt Nam ngày nay. Kinh tế Việt Nam muốn tìm ra hướng phát triển bền vững thì phải bắt đầu từ những cuộc điều tra thực tế hơn là những văn bản, nghị định. Nhà lãnh đạo nền kinh tế cần phân biệt sự khác biệt rất lớn giữa một nền kinh tế gia công và nền kinh tế công nghiệp. Theo Giáo sư, mấu chốt để tăng hiệu quả cũng như tìm ra lợi thế cạnh tranh của quốc gia là phải điều hành kinh tế dựa trên điều tra. Cần cử người đi điều tra từng khu vực kinh tế, tính cho kỹ chi phí đầu vào, doanh số đầu ra của từng ngành nghề trong mỗi khu vực, từ đó mới hiểu đang thiếu ở đâu và cần nguồn vốn đi vào khu vực nào. Sau đó, hoạch định các chính sách kinh tế cho phát triển vùng, ưu tiên ngành nghề nào phản ánh đúng thực trạng như cầu xã hội và tạo được lợi thế cạnh tranh quốc gia.

Ví dụ, trong một hội thảo mà ông điều phối tại Đà Nẵng, một bên là ngân hàng BIDV, một bên là doanh nghiệp. Họ đều nói lên nhu cầu và khó khăn mỗi phía. Từ đó, có thể tìm ra giải pháp chung. Có những lĩnh vực mà cái thiếu chính là kiến thức, thì Nhà nước cần phải đào tạo. Chẳng hạn, ở lĩnh vực sản xuất tàu biển, nhân sự là thợ hàn bậc cao hiện đang thiếu và phải thuê chuyên gia từ Úc với giá cao. Lĩnh vực như nông sản thì thiếu công nghệ bảo quản hay nguồn phân bón chất lượng tốt. Ở trường hợp này, Nhà nước cần đầu tư chính là công nghệ sản xuất. Ngoài ra, cần nghĩ đến những chiến lược quốc gia để kích thích tiêu dùng nội địa và hỗ trợ hàng hóa Việt làm chủ trên sân nhà. Bởi lẽ, một nền kinh tế không tự sản xuất hàng hóa thì cũng không kích thích tiêu dùng nội địa tăng trưởng bền vững được.

Trong vấn đề phát triển, Giáo sư cho rằng nhiều chính phủ phải tạo cho xã hội niềm tin. Chẳng hạn, kế hoạch tái cấu trúc bộ máy hành chính nhà nước sẽ dôi dư hàng chục ngàn lao động. Vì vậy, cần phải có lộ trình đào tạo và tái sử dụng nguồn lao động này để tránh tạo gánh nặng và bất ổn cho xã hội. 

Tương tự sự vận hành của quốc gia, trong phạm trù của một doanh nghiệp, lãnh đạo hay ban quản lý cũng cần khảo sát, thống kê và phân tích tận gốc rễ hiệu quả và lợi thế cạnh tranh của sản phẩm hay dịch vụ. Người quản lý cần giữ tỉnh táo để đưa ra quyết định thu hẹp hoặc chưa ưu tiên những mảng kinh doanh không thể đem lại lợi thế cạnh tranh trong ngắn hoặc trung hạn. Giáo sư Lê Văn Cường nói vui: “Nếu tồn tại đạo năng suất, tôi xin tôn thờ đạo này”. Đã đến lúc quốc gia cũng như doanh nghiệp muốn phát triển và cạnh tranh trong nền kinh tế tri thức, cần phải cải tổ giá trị cốt lõi nhất: hiệu suất và hiệu quả.

Vị giáo sư lý giải hiệu suất lao động của người Việt Nam từ lâu dựa trên tư tưởng “khoán”. Truyền thống kích thích nhân công làm việc vượt năng suất được giao, thưởng vượt định mức được áp dụng trong thời gian dài, nhưng thiếu sự minh bạch cần thiết đã dần tạo ra hệ lụy là người lao động trông chờ vào những khoản thu nhập ngoài. Vì thế, theo thời gian, hiệu quả và chất lượng công việc không còn xuất hiện trong những giờ lao động hành chính.

“Tôi bị cuốn đi bởi khát khao kiến thức của thế hệ sau”, Giáo sư chia sẻ về việc sau khi về hưu vẫn nhiệt huyết vận hành Trung tâm VCREME, dồn tâm sức cho việc giảng dạy. Mỗi thành tựu của những lớp nghiên cứu sinh trưởng thành từ sự dìu dắt ban đầu của Giáo sư, dần tiến xa và tạo tiếng vang trên con đường khoa học đã giúp ông thắp thêm một ngọn lửa tinh thần quốc gia được nhân rộng trong tầng lớp tri thức. Bởi lẽ theo ông, thông qua giáo dục, đất nước đang nuôi dưỡng và tìm ra những nhà lãnh đạo nắm vận mệnh quốc gia trong tương lai, những người phải dựa trên nền tảng tri thức để chịu tránh nhiệm đưa ra quyết định điều hành sáng suốt, ngay kể cả khi họ được tham vấn bởi hội đồng tư vấn chính sách toàn những bộ óc nổi trội.

Giáo sư Lê Văn Cường được cộng đồng các nhà khoa học quốc tế tôn vinh bởi những thành tựu nghiên cứu khoa học xuất sắc và quan trọng như:
• Đồng tác giả của 2 cuốn sách nổi tiếng Handbook on Optimal Growth và Dynamic Programming in Economics. Ông đồng thời tham gia biên tập Tạp chí khoa học International Journal of Economic Theory, Tạp chí Annales d’Economie et Statistique, Tạp chí Journal of Mathematical Economics. Ông là tác giả của hơn 80 công trình nghiên cứu kinh tế; hướng dẫn hàng trăm lớp nghiên cứu sinh, rất nhiều trong số họ trở thành tiến sĩ, phó giáo sư nổi tiếng.
• Năm 1980, ông ứng dụng thành công phương trình toán học Topological Degree of a family of functions nhằm hoàn thiện thuyết cân bằng tổng thể trong điều kiện biến động của động lực bên trong (internal dynamics) và động lực bên ngoài (external dynamics). 
• Thành công trong phân tích thực nghiệm về các mô hình kinh tế vĩ mô giúp giải thích và làm rõ động lực thực (actual dynamics) của nền kinh tế Pháp. Tiêu biểu như mô hình MOGLI giúp dự báo tác động tác động thị trường trước chính sách của Chính phủ, Ngân hàng Trung ương Pháp. 
• Giai đoạn năm 1990, ông đạt được nhiều thành tựu nghiên cứu trong học thuyết tối ưu hóa (optimization) và tăng trưởng nội sinh của nền kinh tế (endogenous growth in economies). Ông thành công trong việc làm rõ mối liên hệ giữa học thuyết tối ưu với biến số: tác nhân không đồng nhất (heterogeneous agent), sở thích đệ quy (recursive preferences), lợi nhuận bị chặn và không bị chặn (bounded or unbounded returns), công nghệ lồi-lõm (convex-concave technologies), ngoại ứng (externalities), sự co giãn của cung lao động. 
• Giai đoạn năm 2005, ông là tác giả của nghiên cứu về Cân bằng tổng thể trên thị trường tài sản (General equilibrium assets markets). Với nghiên cứu này, những tác động đến thị trường tài sản được liên hệ với các vấn đề: cạnh tranh dẫn tới cân bằng tổng thể, sự định giá khác nhau trên thị trường tài sản (different notions of arbitrage in assets markets), các trường hợp thiết lập bán khống (setups involing short selling), lợi nhuận bị chặn và không bị chặn (bounded and unbounded returns), ngoại ứng (externalities), sự thỏa mãn của khách hàng, kỳ vọng trung lập (diverse overlapping probabilistic expectations)...

Nguyệt Nguyễn 


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới