Hủy
Thế giới

TPP và kẻ lợi người thiệt

Thứ Ba | 06/10/2015 15:44

TPP là hiệp định lớn nhất và tham vọng nhất trong lịch sử, giúp cắt giảm thuế suất và các hình thức bảo hộ khác tại 12 nước thành viên.
 

GDP của 12 nước thành viên Hiệp định thương mại tự do xuyên Thái Bình Dương (TPP) chiếm khoảng 40% GDP toàn cầu với tổng trị giá lên đến 30 nghìn tỷ USD.

Theo ước tính của Nhà Trắng, khoảng 18.000 loại thuế đánh vào hàng hóa sản xuất tại Mỹ sẽ được loại bỏ, trong khi TPP cũng tạo cơ hội cho mọi người từ người nuôi tôm Việt Nam đến người nuôi bò sữa New Zealand tiếp cận thị trường khắp khu vực Thái Bình Dương.

Tuy nhiên, giới chỉ trích lại cho rằng, TPP sẽ làm mất việc làm tại Mỹ, kéo giảm tiêu chuẩn môi trường và tăng giá dược phẩm.

Thỏa thuận vẫn cần được cơ quan lập pháp các nước thành viên phê chuẩn trước khi có hiệu lực và Tổng thống Mỹ Barack Obama có thể phải đối mặt với thách thức lớn ở Quốc hội Mỹ.

Dưới đây là đánh giá tích cực cũng như tiêu cực của TPP đến các ngành kinh tế các nước thành viên.

Nhật Bản

Ngành sản xuất ôtô và linh kiện ôtô có thể được hưởng lợi nhiều nhất khi được tiếp cận thị trường Mỹ - thị trường xuất khẩu lớn nhất của ngành này.

Đổi lại, Nhật Bản buộc phải cắt giảm một số biện pháp bảo hộ ngành lúa gạo nước này, thiết lập hạn ngạch nhập khẩu gạo không chịu thuế, tương đương 1% tổng lượng gạo tiêu thụ của nước này.

Nông dân ngành chăn nuôi Nhật Bản có thể chịu ảnh hưởng nặng nề hơn khi thuế nhập khẩu thịt bò giảm xuống 9% trong vòng 16 năm từ 38,5% hiện nay, trong khi thuế nhập khẩu thịt lợn cũng giảm.

Australia

Với việc tham gia vào TPP, Australia sẽ dễ dàng tiếp cạn thị trường đường của Mỹ trong khi Nhật Bản cũng sẽ giảm thuế suất đối với đường và thịt bò xuất khẩu của Australia.

Thuế suất đánh vào các sản phẩm thủy sản và nông nghiệp của Australia cũng sẽ giảm, trong khi gạo và ngũ cốc sẽ được hưởng hạn ngạch ưu đãi.

Australia và New Zealand đã thành công khi gây sức ép buộc Mỹ nhượng bộ về thời gian bảo hộ dược phẩm. Theo đó, thời gian bảo hộ được rút ngắn xuống 5-8 năm thay vì 12 năm như yêu cầu ban đầu của Mỹ. Nhờ đó, giá thuốc có thể rẻ hơn và cạnh tranh hơn.

Các nhà sản xuất Australia cũng được hưởng lợi khi sản phẩm từ sắt, thép đến dược phẩm, giấy, linh kiện ôtô đều được giảm thuế suất.

New Zealand

93% hàng hóa New Zealand xuất khẩu sang các nước thành viên TPP sẽ được miễn thuế, giúp tiết kiệm mỗi năm 259 triệu đôla New Zealand (168 triệu USD).

Riêng ngành sữa - chiếm khoảng ¼ kim ngạch xuất khẩu của New Zealand - sẽ tiết kiệm được khoảng 102 triệu đôla New Zealand.

Tuy vậy, hàng hóa New Zealand vẫn phải chịu thuế tại các thị trường chủ chốt như Mỹ, Nhật Bản, Canada và Mexico cho dù New Zealand được hưởng hạn ngạch ưu đãi.

Thuế đánh vào thịt bò xuất khẩu của New Zealand sẽ được bãi bỏ, ngoại trừ thị trường Nhật Bản khi nước này chỉ chấp nhận giảm thuế đánh vào thịt bò New Zealand từ 38,5% xuống 9%. Thuế suất đánh vào các mặt hàng khác như trái cây, thủy sản, rượu vàng và thịt cừu cũng sẽ được dỡ bỏ.

Việt Nam

Việt Nam được đánh giá là một trong những nước hưởng lợi lớn nhất từ TPP, theo Eurasia Group.

GDP của Việt Nam được dự báo sẽ tăng thêm 11% vào năm 2025 nhờ TPP, với tăng trưởng xuất khẩu đạt 28% trong bối cảnh các doanh nghiệp chuyển nhà máy sang Việt Nam nhằm tận dụng lợi thế chi phí nhân công rẻ, theo báo cáo của Eurasia Group.

Ngành dệt may của Việt Nam sẽ hưởng lợi nhờ Mỹ và Nhật Bản giảm thuế nhập khẩu. Nhờ lợi thế chi phí nhân công giá rẻ, dệt may của Việt Nam có thể thu hút các doanh nghiệp dịch chuyển từ Trung Quốc. Tuy nhiên, tác động từ TPP có thể khá hạn chế do Việt Nam vẫn phải đối mặt với quy tắc nghiêm ngặt về xuất xứ. Điều này đồng nghĩa rằng chỉ hàng dệt may sử dụng nguyên liệu trong các nước nội khối TPP mới được áp dụng cơ chế miễn giảm thuế.

Ngành thủy sản được cho là sẽ hưởng lợi từ việc xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với tôm, mực và cá ngừ Việt Nam. Hiện thuế suất đánh vào các mặt hàng này dao động 6,4-7,2%.

Tuy nhiên, TPP cũng tạo ra thách thức cho các doanh nghiệp Việt Nam khi thuế nhập khẩu dược phẩm được dỡ bỏ hoàn toàn so với mức 2,5% hiện nay.

TPP cũng tăng cường việc bảo hộ bản quyền, hạn chế khả năng tiếp cận sản phẩm mới của các công ty Việt Nam cũng như khả năng sản xuất các loại thuốc mới.

Malaysia

Các doanh nghiệp nhà nước của Malaysia có thể chịu tác động tiêu cực từ TPP do hiệp định này đòi hỏi công bằng trong đấu thầu mua sắm của các cơ quan trực thuộc Chính phủ.

Những ngành được hưởng lợi của Malaysia là công ty xuất khẩu điện tử, sản phẩm hóa chất, dầu cọ và cao su.

Malaysia hiện là nước sản xuất dầu cọ lớn thứ 2 thế giới và là một trong những nước sản xuất cao su lớn nhất thế giới.

Trung Quốc

Nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới này có thể là người chịu thiệt thòi lớn nhất khi không gia nhập TPP vì việc này cho phép Mỹ thắt chặt quan hệ thương mại với các nước trong khu vực và tạo điều kiện thuận lợi cho chiến lược xoay trục sang châu Á của chính quyền Tổng thống Obama.

Sau khi quả quyết không gia nhập TPP thì đến nay Trung Quốc bắt đầu ngỏ ý sẽ tham gia khối này trong tương lai.

Nhà kinh tế học Fielding Chen tai Bloomberg nhận định, các nhà xuất khẩu của Trung Quốc có thể mất thị phần tại Mỹ và Nhật Bản vào tay các nước đang phát triển như Việt Nam.

Trung Quốc sẽ đẩy mạnh chiến lược “một vành đai, một con đường” nhằm tái thiết lập các tuyến đường thương mại từ châu Á sang châu Âu cũng như theo đuổi các hiệp định tự do thương mại với các nước khác, đặc biệt là châu Á. “Khi Trung Quốc mở cửa, họ không muốn các nước khác đóng cửa”, ông Chen nói.

Nhật Trường

Nguồn Bloomberg


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới