Hủy
Thế giới

Thấy gì từ cuộc khủng hoảng giao thông vận tải tại Mỹ?

Hải Miên Thứ Sáu | 12/04/2024 19:00

Vì ngành đóng tàu của Mỹ đã bị thu hẹp đáng kể trong nhiều thập kỷ qua nên việc vận chuyển hàng hóa bằng đường thủy tại nước này bị hạn chế rất nhiều. Ảnh: Getty Images.

Mỗi vấn đề tưởng chừng nằm ở các mảng riêng biệt, song thực chất lại kết nối với nhau theo cách không ngờ tới.
 

Giao thông vận tải ở Mỹ đang trải qua thời điểm khủng hoảng, điều có thể được quan sát từ các tựa báo từ những trục trặc kỹ thuật xoay quanh Boeing, cho đến vụ sập cầu Francis Scott Key ở Baltimore, hay việc Mỹ thậm chí không thể đóng tàu thương mại của riêng mình.

Không chỉ vậy, Mỹ còn phải đối mặt với một số vấn đề dài hạn hơn như thiếu hệ thống giao thông đường bộ tốt bằng tàu hỏa, đường sá được bảo trì kém và độ an toàn của hệ thống vận tải suy giảm hậu đại dịch. Gần đây hơn, có cảm giác rằng cuộc cách mạng xe điện đang bị đình trệ khi doanh số Tesla sụt giảm, trong khi Trung Quốc có vẻ rất ổn.

Mỗi vấn đề tưởng chừng nằm ở các mảng riêng biệt, song thực chất lại kết nối với nhau theo cách không ngờ tới. Chẳng hạn như tai nạn tàu container khiến sập cầu Baltimore đã phản ánh cơ sở hạ tầng cũ kỹ và xuống cấp của xứ cờ hoa. Tác động kinh tế trực tiếp hàng tuần của việc đóng cửa cảng Baltimore là khoảng 1,7 tỉ USD và tác động gián tiếp của sự thay đổi chuỗi cung ứng có thể lớn hơn nhiều. Hiện tại, sự vụ cũng đã dấy lên mối lo ngại về lạm phát chồng chất.

 

Tuy nhiên, theo một số nhà phân tích, tác động kinh tế có thể còn lớn hơn nhiều nếu Mỹ tận dụng cảng Baltimore, nằm ở cửa Vịnh Chesapeake, một trong những cửa sông lớn nhất thế giới có kết nối dễ dàng đến các trung tâm sản xuất lớn trên khắp miền Nam và Trung Tây nước Mỹ.

Vận chuyển bằng đường thủy rẻ hơn và sạch hơn bằng xe tải hoặc đường hàng không. Nhưng Đạo luật Jones, được đưa ra vào năm 1920, yêu cầu bất kỳ phương tiện hàng hải nào vận chuyển hàng hóa giữa hai cảng của Mỹ phải được đóng, sở hữu và vận hành ở Mỹ vì lý do an ninh.

Vì ngành đóng tàu của Mỹ đã bị thu hẹp đáng kể trong nhiều thập kỷ qua nên việc vận chuyển hàng hóa bằng đường thủy tại nước này bị hạn chế rất nhiều. Mỹ thậm chí còn gặp những hạn chế trong việc vận chuyển khí đốt tự nhiên hóa lỏng giữa các cảng nội địa do thiếu tàu chở dầu sản xuất trong nước.

Trước bối cảnh đó, nhiều người cho rằng Mỹ nên cho phép các đồng minh như Nhật Bản và Hàn Quốc, những nước đóng tàu được cho là tốt nhất thế giới, tiếp cận thị trường Mỹ dễ dàng hơn. Nhưng gần đây chính quyền Tổng thống Biden đã phản đối nỗ lực mua lại US Steel của Nippon Steel.

Điều đó lại dẫn đến vấn đề về các ngành chiến lược và các "nhà vô địch" quốc gia. Để so sánh, trong bất kỳ lĩnh vực nào, Trung Quốc cũng để lại dấu ấn, chẳng hạn như xe điện. Quốc gia này cũng có một chiến lược công nghiệp mạch lạc để hỗ trợ các mục tiêu của mình. Trong khi đó, Mỹ đang chơi trò đuổi bắt. Hiện tại, Mỹ có các khoản trợ cấp cho xe điện, nhưng không giải quyết được các điểm tắc nghẽn trong chuỗi cung ứng rộng hơn (chẳng hạn như khả năng tiếp cận các khoáng chất quan trọng cần thiết cho pin bền vững).

Trước động thái bán phá giá đang diễn ra của Trung Quốc, Mỹ vẫn chưa có phản ứng hoặc dự trù bằng cách kết hợp với các đồng minh để giảm thiểu rủi ro, mà lại tập trung quá mức vào các ngành công nghiệp then chốt.

Trường hợp điển hình ở đây là Boeing, hãng được phép mua nhà sản xuất máy bay thương mại nội địa duy nhất của Mỹ, McDonnell Douglas, vào năm 1997. Như giám đốc Điều hành United Airlines Scott Kirby gần đây đã lưu ý, sự đổi mới và chất lượng đã suy giảm kể từ thời điểm mua lại. Đối với Airbus, ngân sách nghiên cứu và phát triển đã giảm, trong khi hoạt động mua lại cổ phần lại tăng lên. Việc phụ thuộc quá nhiều từ việc thuê gia công bên ngoài đã dẫn đến chuỗi cung ứng phức tạp và dễ bị ảnh hưởng. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp xem việc đào tạo lực lượng lao động là chi phí chứ không phải tài sản.

 

Trong khi đó, như Chủ tịch Ủy ban Thương mại Liên bang Lina Khan đã chỉ ra trong bài phát biểu hồi tháng 3, cảnh báo về những mối nguy hiểm liên quan đến việc thúc đẩy các nhà vô địch quốc gia, sự tập trung và tài chính hóa trong ngành hàng không không chỉ dẫn đến các vấn đề an toàn mà còn khiến người nộp thuế ở Mỹ phải trả một khoản tiền lớn, và tạo ra tình trạng dễ bị tổn thương về kinh tế hơn là sự ổn định hoặc an ninh.

Vấn đề ở đây là những cuộc khủng hoảng giao thông dường như không liên quan đến nhau này đang chỉ ra những vấn đề lớn hơn trong quản trị doanh nghiệp, thương mại và an ninh quốc gia thậm chí cả bản chất và cách hoạt động của nền kinh tế Mỹ trong một thế giới đang thay đổi. Trong bối cảnh hỗn loạn ồn ào thì vẫn có những tín hiệu mà các nhà hoạch định chính sách và lãnh đạo doanh nghiệp nên lắng nghe.

Có thể bạn quan tâm: 

Châu Phi và tiềm năng đáp ứng nhu cầu lương thực của cả thế giới

Nguồn FT


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới