Hủy
Bất động sản

Bất động sản bền vững có đắt như chúng ta nghĩ?

Văn Đạt Thứ Ba | 02/04/2024 14:00

Các tòa nhà có chứng nhận xanh ở khu vực trung tâm TP.HCM có tỉ lệ lấp đầy đến 98,4%. Ảnh: www.usgbc.org.

“Giai đoạn vàng” của thị trường bất động sản bền vững đang đến nhưng chi phí xây dựng cao là mối quan tâm của các nhà phát triển bất động sản.
 

Bất động sản bền vững luôn được đánh giá là một thị trường có nhiều tiềm năng tại Việt Nam. Tuy nhiên, thị trường vẫn tồn tại nhiều yếu tố cản trở khi vẫn còn quan niệm cho rằng bất động sản bền vững rất đắt đỏ. Hội đồng Công trình Xanh Việt Nam cũng khẳng định, chi phí xây dựng các dự án bất động sản xanh sẽ cao hơn các dự án bình thường. Tuy nhiên, phát triển công trình xanh là xu hướng tất yếu. Tính đến năm 2022, Việt Nam có khoảng 300 công trình được cấp chứng nhận công trình xanh, một số công trình đang ở giai đoạn đăng ký chứng nhận. So với các nước trong khu vực, con số này còn khá khiêm tốn.

Giá hời cho ESG

Ông Đỗ Hữu Nhật Quang, đồng sáng lập kiêm Giám đốc GreenViet, cho rằng chi phí xây dựng công trình xanh có thể cao hơn từ 2-5% so với các dự án không được chứng nhận. Cũng theo vị chuyên gia này, trong vòng 5 năm đi vào hoạt động, chủ đầu tư sẽ có thể lấy lại khoản đầu tư tăng thêm đó. Điều này phù hợp với những phát hiện của Knight Frank Việt Nam: giá cho thuê ở các tòa nhà xanh tại khu trung tâm cao hơn 16% so với các tòa nhà không xanh trong quý III/2022. Theo xu hướng trên toàn cầu, nhu cầu thuê tòa nhà xanh ở Việt Nam ngày càng tăng.

“Việc phát triển dự án được công nhận về môi trường ít tốn kém hơn chúng ta nghĩ. Với nhiều cấp độ công nhận khác nhau, các nhà phát triển bất động sản có thể linh hoạt, miễn sao công trình có thể đạt được mục tiêu phát triển bền vững với mức chi phí thấp”, ông Alex Crane, Giám đốc Điều hành của Knight Frank Việt Nam, chia sẻ. Vị chuyên gia có hơn 20 năm làm việc trong thị trường bất động sản khuyên các chủ đầu tư dự án nên nhìn vào lợi ích dài hạn của công trình xanh, thay vì khoản chi phí đắt đỏ trước mắt.

“Nhu cầu tiêu thụ điện ở Việt Nam ngày càng tăng khiến người dân thích sở hữu hay sử dụng bất động sản ít tiêu tốn năng lượng và nguồn nước hơn. Khi đó, giá của bất động sản bền vững sẽ tăng”, ông Alex Crane phân tích.

Theo kết quả khảo sát được Knight Frank công bố vào tháng 10/2022, các tòa nhà xanh tiết kiệm 20-30% lượng nước và 40-50% năng lượng so với các tòa nhà không xanh. Các tòa nhà được chứng nhận LEED tạo ra lượng khí thải CO2 ít hơn 34%, sử dụng ít năng lượng hơn 25% và ít nước hơn 11%.

Đồng quan điểm với ông Alex Crane, ông Angus Liew, Chủ tịch Gamuda Land Việt Nam, cho rằng phát triển các dự án bất động sản bền vững không tốn kém hay ảnh hưởng đến lợi nhuận, ngược lại còn mang đến giá trị tăng thêm. “Giá bán sẽ có thể cao hơn khi tư duy của người mua nhà đã thay đổi. Khách hàng sẵn sàng chi thêm một khoản tiền cho mục đích bảo vệ môi trường”, ông Angus Liew phân tích.

Các tòa nhà được chứng nhận xanh luôn được cho thuê với giá cao hơn so với các tòa nhà không có chứng nhận. Ở trung tâm London, mức chênh lệch có thể lên đến 12%. Các tòa nhà có chứng nhận NABERS ở Úc có thể được bán cao hơn 18% so với các tòa nhà cùng phân khúc nhưng không được chứng nhận, bà Victoria Ormond, Trưởng Bộ phận Nghiên cứu thị trường của Knight Frank, cho biết.

Đi xe điện, ở nhà xanh

“Cũng giống như trào lưu dùng xe điện, ngày càng có nhiều người muốn sở hữu và sử dụng bất động sản bền vững. Ở Malaysia, bất động sản ESG đã đi được một quãng đường khá dài, do các công ty niêm yết tại đây bắt buộc phải báo cáo phát triển bền vững mỗi năm, do đó họ buộc phải thuê các tòa nhà có chứng nhận xanh. Tôi nghĩ rất sớm thôi, Việt Nam cũng sẽ phải làm điều tương tự”, ông Angus Liew cho biết.

Thực tế, yếu tố môi trường và ý thức bảo vệ sức khỏe được chú trọng nhiều hơn trong các dự án bất động sản. Không chỉ Malaysia, thiết kế, xây dựng và vận hành có ý thức về môi trường đã được thực hiện ở nhiều nước khoảng 15 năm trở lại đây. Các thước đo hiệu suất bền vững không ngừng phát triển cùng với sự xuất hiện của các chuỗi cung ứng vật liệu và năng lượng, ông Alex Crane chia sẻ.

Trong bảng xếp hạng Fortune Global 500, có đến 63% công ty đặt mục tiêu giảm phát thải vào năm 2050 và 47% mong muốn đạt mục tiêu này vào năm 2030. Việt Nam đặt mục tiêu thu hút 50% công ty trong danh sách trên vào năm 2030 nhằm đạt được mục tiêu Net Zero vào năm 2050 như đã cam kết. Hầu hết các khung pháp lý ở Việt Nam đều khuyến khích các ngành khác nhau tuân thủ tiêu chí phát triển bền vững.

Các tòa nhà có chứng nhận xanh ở khu vực trung tâm TP.HCM có tỉ lệ lấp đầy đến 98,4%. Trong lĩnh vực văn phòng cho thuê, đặc biệt là ở TP.HCM, có 14 tòa nhà được chứng nhận bền vững; Hà Nội có 16 tòa nhà. Khi thị trường đi xuống, sẽ có xu hướng nâng cao chất lượng dịch vụ, sản phẩm. Các nhà phát triển bất động sản cần phải tự làm mình nổi bật hơn đối thủ cạnh tranh. Sở hữu các dự án có chứng nhận xanh là đáp án tốt nhất, theo ông Alex Crane.

Ông Alex Crane khuyên Chính phủ Việt Nam có cơ chế khuyến khích doanh nghiệp tuân thủ các nguyên tắc phát triển bền vững như các nước đang làm, như giảm thuế đối với các tòa nhà được chứng nhận xanh, hoặc rút ngắn quy trình phê duyệt xây dựng đối với các tòa nhà xanh.

Có thể bạn quan tâm:

Chung cư quận 1: Vàng son một thuở


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới