Hủy
Công Nghệ

Cuộc đua công nghệ bước vào giai đoạn nảy lửa

Bảo Hân Thứ Ba | 30/04/2024 09:30

Ảnh: Nick Little

Theo IMF, cạnh tranh thương mại công nghệ cao giữa các khối đối thủ có thể tiêu tốn tới 1,2% GDP toàn cầu mỗi năm, tương đương khoảng 1 nghìn tỉ USD.
 

Dòng chảy thông tin và năng lượng là nền tảng cho mọi hoạt động kinh tế, trong khi đó công nghệ tiên tiến hậu thuẫn cho cả hai. Do đó, các cường quốc như Mỹ và Trung Quốc đặt cược rất lớn vào cuộc đua công nghệ, kể từ khi ông Donald Trump bắt đầu nhiệm kỳ đầu tiên cho tới thời Tổng thống Joe Biden. Về phía Trung Quốc, Chủ tịch Tập kịch liệt phản đối các biện pháp kiểm soát xuất khẩu của Mỹ. Cuộc chiến công nghệ này đang định hình lại các mối quan hệ và chuỗi cung ứng trên toàn thế giới. Và chi phí đang tăng lên. Có nhiều ước tính khác nhau, song IMF cho rằng cạnh tranh thương mại công nghệ cao giữa các khu vực có thể tiêu tốn tới 1,2% GDP toàn cầu mỗi năm, khoảng 1 nghìn tỉ USD.

 

Ông Evan Ellis thuộc Đại học Nghiên cứu Chiến tranh cho biết, dù Trung Quốc hay Mỹ kiểm soát công nghệ năng lượng và thông tin, nhiệt độ của cuộc đối đầu sẽ tăng lên trong những năm tới, khi cả ông Biden và ông Trump đều sẽ không chùn bước trước việc thách thức Trung Quốc. Và việc Trung Quốc rút lui khỏi vị thế mong muốn trong trật tự toàn cầu là điều không tưởng đối với ông Tập.

2 đấu trường

Giai đoạn tiếp theo của cuộc chiến công nghệ sẽ diễn ra trên hai đấu trường chính. Một là sản xuất chip, tạo ra cơ sở hạ tầng xử lý thông tin của thế giới, bao gồm cả cơ sở đào tạo và vận hành phần mềm trí tuệ nhân tạo. Thứ hai là công nghệ xanh, vì các thành phần trong đó có thể trở thành xương sống của toàn bộ nền kinh tế toàn cầu.

Vừa qua, trận chiến ứng dụng được xem là đã khép lại vào ngày 23/4, khi Quốc hội Mỹ thông qua dự luật yêu cầu chủ sở hữu Trung Quốc của TikTok phái rút cổ phần trong vòng 270 ngày nếu không sẽ phải đối mặt với lệnh cấm vĩnh viễn. Động thái này diễn ra chỉ vài ngày trước khi chính quyền Trung Quốc buộc Apple phải loại bỏ WhatsApp và Threads, những nền tảng thuộc sở hữu của Meta, khỏi cửa hàng ứng dụng Trung Quốc. Nhưng bất chấp những phản đối kịch liệt, các ứng dụng vẫn là mối quan tâm thứ hai vì chúng cần chip và năng lượng để chạy chứ không phải ngược lại.

Vị thế hiện tại

Mỹ đang thúc đẩy các nhà sản xuất chip tiên tiến mở rộng trong nước. Vào ngày 8/4, chính phủ đã công bố khoản trợ cấp 6,6 tỉ USD cho TSMC của Đài Loan cho ba nhà máy mới ở Arizona. Vào ngày 15/4, Samsung của Hàn Quốc đã đầu tư 6,4 tỉ USD để xây dựng nhà máy ở Texas. Các động thái này nằm trong Đạo luật Khoa học và chip trị giá 280 tỉ USD, một chính sách công nghiệp được đưa ra vào năm 2022, khuyến khích việc tạo ra các nhà máy và đào tạo nhân viên. Ngoài ra, "kho vũ khí" của Mỹ còn có Đạo luật Giảm lạm phát (IRA), gói trợ cấp xanh trị giá 369 tỉ USD được thông qua vào năm 2022, theo đó sản xuất thiết bị xanh trong nước sẽ được hỗ trợ thông qua tín dụng thuế. Trong khi đó, Mỹ duy trì mức thuế cao đối với tấm pin mặt trời và xe điện của Trung Quốc , lần lượt là 14,25% và 25%.

Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn không chùn bước chạy đua công nghệ xanh. Longi là nhà sản xuất tấm pin mặt trời lớn nhất thế giới; CATL là nhà sản xuất pin lớn nhất và BYD đang cạnh tranh với Tesla để giành danh hiệu nhà sản xuất xe điện lớn nhất thế giới. Ngược lại, hoạt động sản xuất chip của Trung Quốc đã không đạt được thành công ngoạn mục, bất chấp các khoản trợ cấp khoảng 150 tỉ USD trong 10 năm qua của chính phủ. Ở một mức độ nào đó, đó là thước đo thành công của Mỹ trong việc ngăn chặn dòng công nghệ sản xuất chip vào nước này trong hai năm qua.

Vậy điều gì tiếp theo khi nói đến sản xuất chip? Nạn nhân đầu tiên trong cuộc chiến công nghệ là Huawei, công ty mà chính quyền ông Trump đã áp dụng các biện pháp kiểm soát xuất khẩu. Câu hỏi đặt ra là điều gì sẽ xảy ra sau cuộc bầu cử ở Mỹ vào tháng 11. Dù ai thắng, tổng thống tiếp theo gần như chắc chắn sẽ phát động một chiến dịch mới theo kiểu của Huawei, chống lại các công ty công nghệ khác của Trung Quốc.

Dưới thời Tổng thống Trump, các công ty nước ngoài có thể có thêm lý do để lo lắng. TSMC là một trong số đó: vào tháng 7 năm ngoái, ông Trump phàn nàn rằng Đài Loan đã tước đoạt hoạt động kinh doanh chip của Mỹ. Nhưng nổi bật nhất là các công ty chip Hàn Quốc, SK Hynix và Samsung, đã đầu tư khoảng 35 tỉ USD vào Trung Quốc kể từ năm 2020. “Trump 2.0 sẽ cứng rắn hơn rất nhiều” một nhân viên quốc hội cho biết. Về chính sách công nghệ dưới thời ông Trump, các khoản trợ cấp của Mỹ sẽ đi kèm với yêu cầu không được đầu tư vào Trung Quốc, người này nói.

Nếu Mỹ hành động chống lại các nhà sản xuất chip Trung Quốc, nước này chắc chắn không dễ dãi cho qua. Trong năm ngoái, Trung Quốc đã áp dụng các biện pháp kiểm soát xuất khẩu đối với gali và gecmani, hai nguyên liệu tuy nhỏ nhưng quan trọng trong quy trình sản xuất chip, mà Trung Quốc nắm phần lớn sản lượng toàn cầu năm 2022. Tuy nhiên, các biện pháp kiểm soát xuất khẩu hàng hóa còn yếu so với khả năng kiểm soát sở hữu trí tuệ của Mỹ.

 

Chiến trường công nghệ xanh

Theo The Economist, ông Biden có thể sẽ tiếp tục con đường thân thiện với khí hậu mà ông đã đi theo khi còn đương chức. Ông sẽ củng cố liên kết với các đồng minh và sử dụng ngân sách công để đẩy nhanh quá trình khử carbon của Mỹ đồng thời ngăn chặn nhiều, nếu không muốn nói là tất cả, hàng nhập khẩu của Trung Quốc. Ông Trump lại là một câu chuyện khác, ông có thể sẽ thực thi những cách tiếp cận không để tâm đến khí hậu, khiến các nhà điều hành ở Mỹ và trên thế giới lo lắng.

Ngành công nghiệp ô tô có thể nằm trong số những ngành gặp khó khăn nhất trong bối cảnh cạnh tranh công nghệ xanh hiện tại. Ông Trump đã gọi xe điện là một "trò lừa bịp" và nói rằng xe điện do Trung Quốc sản xuất sẽ phá hủy ngành công nghiệp ô tô của Mỹ. 

Các công ty năng lượng mặt trời, xe điện và pin Trung Quốc hiện vẫn ra sức tìm đường vào thị trường Mỹ và Châu Âu. Điều đó có thể thông qua liên doanh với các công ty trong nước hoặc thông qua các nhà máy được xây dựng ở các quốc gia như Mexico, có hiệp định thương mại tự do cùng Mỹ. Hiện tại Trung Quốc có rất nhiều cơ hội; Trung Quốc lắp đặt nhiều năng lượng mặt trời vào năm 2023 hơn cả Mỹ. Về chip, Trung Quốc có sức mạnh thị trường nhưng không thống trị về mặt công nghệ. Với công nghệ xanh, nước này có cả hai.

Cuộc chiến công nghệ kéo dài có những tác động tiềm tàng nghiêm trọng. Xuất khẩu công nghệ xanh của Trung Quốc đang bùng nổ trên toàn thế giới và việc lắp đặt ở Trung Quốc đang phát triển nhanh hơn bất kỳ nơi nào khác, do đó, việc từ chối quốc gia này tiếp cận thị trường Mỹ có thể không đủ làm suy yếu sự kiểm soát của các công ty Trung Quốc. Và khi đơn phương kiểm soát dòng công nghệ tiên tiến vào Trung Quốc, Mỹ có thể gây tổn hại đến mối quan hệ đối tác với Nhật, cùng với những nước khác trong những năm gần đây.

Nhưng cái giá phải trả lớn nhất của các cuộc chiến công nghệ có thể là sự chia rẽ giữa các ngành công nghệ thông tin và năng lượng, dẫn đến tăng trưởng kinh tế chậm lại và quá trình khử carbon chậm hơn.

Có thể bạn quan tâm:

 Trà sữa Trung Quốc khuấy động thị trường nước ngoài

Nguồn The Economist


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới