Hủy
Công Nghệ

Nhất Tín Logistics: Đường tới Top 3

Ngọc Thủy Thứ Ba | 04/05/2021 15:31

Ảnh: MT.

Nhất Tín Logistics đặt mục tiêu cao trong bối cảnh thị trường đang diễn ra cạnh tranh quyết liệt.
 

Trong kế hoạch đến năm 2023, Nhất Tín Logistics (NTL) - một công ty chỉ mới ra đời hơn 6 năm đã đặt ra mục tiêu: vào top 3 về quy mô và mạng lưới chuyển phát tại Việt Nam. Đây là mục tiêu đầy thử thách, nhất là khi 5 công ty của ngành chuyển phát gồm Vietnam Post, Viettel Post, EMS, SPT, Nasco Express đã nắm trong tay hơn 60% thị phần doanh thu dịch vụ bưu chính (theo Vụ Bưu chính). 

Ảnh: TL.
Ảnh: TL.

Đặt mục tiêu cao

So với các công ty dẫn đầu hiện nay, NTL còn cách biệt và ít đình đám. Dù vậy, theo ông Nguyễn Văn Tú, Tổng Giám đốc của NTL “tự tin hoàn thành mục tiêu”. Đáng chú ý, kể từ năm 2017,  NTL có thêm khoản đầu tư của Mekong Capital. Ông Tú cho biết: “Điều này góp phần giúp Nhất Tín Logistics đầu tư mở rộng diện tích kho bãi, tăng số lượng hệ thống bưu cục, áp dụng công nghệ để tối ưu hóa vận hành”. 

 

Đến nay, NTL mở được 350 bưu cục khắp các tỉnh thành cả nước, với đội xe 400 chiếc đủ loại tải trọng (từ 500kg đến container 27 tấn), gấp đôi thời điểm đầu năm 2017. Đội xe này gồm cả xe sang (33 xe Ford) để chuyển phát nội thành. Sau hơn 6 năm hoạt động, NTL thu hút hơn 36.000 đối tác khách hàng. Trong đó, nhóm khách hàng doanh nghiệp chiếm tới 70%, với nhiều tên tuổi lớn như Thế Giới Di Động, FPT Shop, Digiworld, Viettel, Samsung, PSD, Amway, DHL, LG, Sony, Petro Việt Nam và Dược Hậu Giang...

 

Trong năm 2020 - 2021, NTL đã đưa vào hoạt động Trung tâm khai thác chia chọn hàng hóa tại Khu công nghiệp Sóng Thần (Bình Dương) và Khu công nghiệp Văn Giang (Hưng Yên) với tổng diện tích sử dụng lên đến hơn 50.000 m2, chưa kể đến hàng chục kho khác trên cả nước. Nhờ đó, NTL đạt khả năng xử lý hơn 50.000 vận đơn/ngày. Công ty đã duy trì mức tăng trưởng doanh thu trung bình 35 - 40%/năm suốt những năm qua. 

CEO của NTL cho biết, chiến lược của Công ty không chỉ dừng ở cung cấp dịch vụ chuyển phát tận nơi (door to door) mà còn mở rộng sang lĩnh vực cho thuê kho bãi, cho thuê xe và cung cấp dịch vụ fulfillment (hoàn tất đơn hàng). Fulfillment là lĩnh vực mà Công ty sẽ ưu tiên đầu tư và kỳ vọng tăng trưởng cao.

Đối với các mảng như vận chuyển lạnh, vận chuyển nông sản, Công ty vẫn đang thăm dò. NTL hiện có hơn 3.000 nhân sự, khá khiêm tốn nếu so với quy mô khoảng 22.000 nhân viên ở Viettel Post. Để cạnh tranh với các đối thủ ngoại, chiến lược của NTL sẽ như Viettel Post, Vietnam Post là phủ rộng mạng lưới về tuyến xã - nơi mà các công ty nước ngoài khó lòng làm tốt. “Tính địa phương hóa sẽ được ưu tiên để NTL tăng tốc và đạt tới các mục tiêu”, ông Tú cho biết.

Trong chuyển phát cho thương mại điện tử, NTL phát triển một mảng riêng do Nhất Tín Express (NTX) đảm trách. Đây là công ty tập trung phục vụ vận chuyển nhóm khách hàng kinh doanh thương mại điện tử B2C, khách hàng từ nhà sản xuất đến người tiêu dùng (D2C) bằng những mô hình bưu cục di động. Dù NTX không phải công ty con của NTL nhưng nhận được những giá trị cộng hưởng từ NTL. 

Dư địa lớn cho người đến sau

Các bước đi của NTL thật ra không quá khác biệt so với chiến lược của nhiều công ty. Đơn cử Best Inc (Mỹ) cũng đẩy mạnh đầu tư kho bãi nên chỉ sau hơn 2 năm hiện diện ở Việt Nam, đã lập 7 trung tâm khai thác. Trong đó, trung tâm phân loại tự động ở TP.HCM có vốn đầu tư tới 8 triệu USD. 

Ông Nelson Wu, Tổng Giám đốc Best Inc Việt Nam, chia sẻ, vào tháng 6, một trung tâm tương tự sẽ có mặt ở Hà Nội. Đầu tư kho bãi giúp Best Inc đạt tới khả năng xử lý hơn 1,3 triệu đơn hàng/ ngày. Bên cạnh đó,  Best Inc mở rộng lên hơn 500 bưu cục Best Express khắp cả nước và dự kiến đạt con số 1.000 vào năm nay, thông qua mô hình nhượng quyền. 

Viettel Post đầu năm nay cũng giới thiệu trung tâm logistics miền Nam, để gia tăng công suất chia chọn lên 42.000 bưu phẩm/giờ, từ mức 36.000 bưu phẩm/giờ và cũng để đẩy mạnh dịch vụ fulfillment. Ông Trần Trung Hưng, Tổng Giám đốc Viettel Post, cho biết: “Doanh nghiệp logistics nước ngoài hiện đang kiểm soát đến 80% dòng chảy hàng hóa. Nếu không thay đổi, làm chủ về công nghệ, một ngày nào đó, doanh nghiệp Việt Nam sẽ biến mất trên chính sân nhà của mình”. Về mạng lưới, Viettel Post chỉ đứng sau Vietnam Post, với gần 1.900 bưu cục và 6.000 điểm giao nhận.

Ngoài ra, Viettel Post có ưu thế về vận chuyển lớn, với 800 xe tải và 12 toa hàng trên các chuyến tàu Bắc Nam. “Mạng lưới bưu cục rộng khắp và kinh nghiệm vận hành nhiều năm là những yếu tố mà các doanh nghiệp mới sẽ khó đạt được trong thời gian ngắn”, báo cáo của Công ty Chứng khoán VNDIRECT nhận định.

Rõ ràng, trong thị trường chuyển phát thu hút hơn 500 doanh nghiệp, cộng với sự xuất hiện liên tục những gương mặt mới và phải đương đầu với những tên tuổi đáng gờm như Best Inc, InExpress (Anh), J&T Express, ZTO Express,  Giao Hàng Nhanh, Giao hàng tiết kiệm (Super/ship)… muốn bứt phá là không dễ dàng.

Dù vậy, trong mắt giới đầu tư, chuyển phát  bưu chính là ngành hấp dẫn, còn nhiều dư địa cho người đến sau. Theo Tổng Cục Thống kê, ngành chuyển phát ở Việt Nam giai đoạn năm 2016 - 2019 đạt tăng trưởng kép 24%. Nếu duy trì tốc độ phát triển 20 - 30%/năm như hiện nay, các chuyên gia tính toán, ngành bưu chính, chuyển phát sẽ đạt doanh thu 10 tỉ USD vào năm 2030. Con số này sẽ còn tăng mạnh khi nhu cầu chuyển phát bưu chính dành riêng cho lĩnh vực thương mại điện tử là rất lớn. 

Trong thị trường lớn này, nếu NTL đề ra mục tiêu 1.000 tỉ đồng doanh thu năm 2021, thì Viettel Post ước sẽ đạt doanh thu 25.000 tỉ đồng trong 5 năm tới, từ mức hơn 8.000 tỉ đồng hiện nay. Công ty Chứng khoán KBSC cho rằng, Việt Nam chưa có nhiều doanh nghiệp logistic 3PL, 4PL có kinh nghiệm, tiềm lực tài chính và công nghệ. Đây sẽ là cơ hội để những công ty chuyển phát chuyên nghiệp bành trướng, đạt các mục tiêu của mình.


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới