Hủy
Kinh Doanh

Mỏ vàng du lịch nha khoa

Cẩm Tú Thứ Năm | 31/12/2020 14:00

Mỏ vàng du lịch nha khoa.

Du lịch nha khoa đang mang về cho Việt Nam hàng trăm triệu USD mỗi năm.
 

Nếu không có COVID-19, giống như các năm gần đây, năm 2020 Việt Nam sẽ thu được xấp xỉ 150 triệu USD từ gần 100.000 du khách nước ngoài sử dụng dịch vụ nha khoa. Dịch cúm bùng phát làm lĩnh vực nhiều tiềm năng này có phần giảm tốc, nhưng trong dài hạn, du lịch nha khoa vẫn hứa hẹn mang về nguồn ngoại tệ ngày càng lớn.

Theo báo cáo thị trường du lịch nha khoa toàn cầu đến năm 2023 của Market Research Future, châu Á - Thái Bình Dương là thị trường du lịch nha khoa lớn thứ 2, chiếm tới 40% toàn cầu. Thị trường này đang có xu hướng dịch chuyển đến các nước Đông Nam Á như Thái Lan, Malaysia, Philippines và Việt Nam.

Mỗi năm, có hàng triệu bệnh nhân đến từ các quốc gia có chất lượng dịch vụ y tế yếu kém đi du lịch đến các quốc gia phát triển hơn nhằm tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe chất lượng cao. Ngược lại, cũng có hàng triệu người từ các nước giàu tìm đến nền y tế của các quốc gia có mặt bằng thu nhập thấp hơn vì không muốn phải xếp hàng đợi được sử dụng dịch vụ y tế công, hay phải chịu mức giá đắt đỏ cho dịch vụ y tế tư nhân.

 

Đó là lý do mỗi năm Việt Nam đón hằng ngàn khách Úc và khách Campuchia đến làm răng. Tạp chí International Living tại Úc từng bầu chọn Việt Nam là 1 trong 3 quốc gia hàng đầu Đông Nam Á được khách Úc ưa chuộng vì có dịch vụ nha khoa chất lượng cao và chi phí thấp. Tại Đông Nam Á, giá dịch vụ nha khoa ở Việt Nam trung bình chỉ bằng khoảng 1/2 tại Thái Lan và khoảng 2/3 Malaysia.

Đại diện Công ty Du lịch Nha khoa Việt Nam (Vietnam Dental Tourism) cho biết, năm 2019 tổng lượng khách của Công ty tăng 300% so với năm 2018. Riêng mảng du khách Việt kiều, khách đến từ Mỹ chiếm tỉ trọng cao nhất.

Là mạng lưới nha khoa độc lập lớn nhất tại Việt Nam, Vietnam Dental Tourism được thành lập từ giữa năm 2016 bởi những chuyên gia trong ngành du lịch và nha khoa. Sau 2 năm gầy dựng mạng lưới B2B với 60 đối tác là các công ty du lịch và các cơ sở nha khoa thành viên tại 5 tỉnh, thành lớn gồm TP.HCM, Hà Nội, Nha Trang, Cần Thơ và Vũng Tàu, doanh nghiệp này chủ yếu phục vụ Việt kiều, khách quốc tế và người nước ngoài sống tại Việt Nam.

Cũng nhắm đến khách quốc tế trong dài hạn, Bệnh viện Răng Hàm Mặt Sài Gòn chấp nhận bỏ ra khoản ngân sách không nhỏ để  đạt tiêu chuẩn JCI, một quy trình thẩm định đánh giá chất lượng các bệnh viện quốc tế. Thạc sĩ - Bác sĩ Nguyễn Quang Tiến, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Bệnh viện Răng Hàm Mặt Sài Gòn, cho biết: “Đa số các phòng khám, bệnh viện nha khoa hiện tại chưa chú trọng vào phân khúc cao hơn, giàu tiềm năng hơn như khách nước ngoài nên chưa mấy quan tâm đến việc phát triển một cách chuyên nghiệp, quốc tế hóa với các chứng chỉ quốc tế”.

 

Theo bác sĩ Tiến, khi bệnh viện đạt chuẩn JCI, khách nước ngoài sẽ yên tâm trong việc điều trị. Một ví dụ điển hình là Thái Lan, nhờ tầm nhìn chiến lược, rất nhiều cơ sở nha khoa ở Thái Lan (chủ yếu là cấp bệnh viện) đạt tiêu chuẩn JCI, tạo tiền đề cho du lịch nha khoa phát triển rất nhanh và mạnh. Sắp tới, Thái Lan sẽ tiến lên điều trị cho khách hàng trung cao thay thế vai trò của Malaysia (khi Malaysia thay thế cho Hàn Quốc hoặc Singapore). Vậy nên, sau khi đã có mạng lưới dịch vụ đạt chuẩn, ngành nha khoa Việt Nam sẽ có cơ hội thay thế ngành nha khoa Thái Lan sau này. 

Theo đánh giá của bác sĩ Tiến, nếu dịch bệnh không xảy ra, từ 3-5 năm tới Việt Nam sẽ có thể thay thế Thái Lan trong phân khúc khách hàng du lịch nha khoa trung bình.

Theo ý kiến của người trong ngành, đối thủ trực tiếp của Việt Nam về du lịch nha khoa hiện nay là Philippines, thị trường có mức phát triển và giá cả tương đương. Hạn chế của du lịch nha khoa Việt Nam so với Philippines là chi phí visa đắt hơn. Du khách Úc phải trả 100-150 đô la Úc cho visa sang Việt Nam, trong khi họ được miễn phí visa trong vòng 30 ngày khi đến Philippines. Ngoài ra, nếu Việt Nam chậm trễ thì sẽ mất khách vì Campuchia đang phát triển nhanh về du lịch và y tế tư nhân.

Nha khoa Đăng Lưu. Ảnh: Thiên Ân
Nha khoa Đăng Lưu. Ảnh: Thiên Ân

Khảo sát của Ban lãnh đạo Bệnh viện Răng Hàm Mặt Sài Gòn cho thấy cách đây 8-9 năm, đa số bác sĩ ở Thái Lan làm việc tại các phòng khám và bệnh viện nha khoa đã tốt nghiệp ở Mỹ và châu Âu. Cách đây 8-9 năm tại Việt Nam, lực lượng bác sĩ tốt nghiệp từ châu Âu chiếm tỉ lệ thấp nhưng đã tăng lên đáng kể trong 2-3 năm gần đây.

Trong 3-5 năm tới, nếu Việt Nam đầu tư chiến lược đối với lực lượng nhân sự, bên cạnh cơ sở vật chất thì sẽ tạo điều kiện thu hút nguồn khách từ bên ngoài. Sau khi tốt nghiệp đại học, đa số bác sĩ Việt đi tu nghiệp tự túc ở nước ngoài. Một số trường đại học ở Việt Nam có liên thông với đại học quốc tế, chủ yếu ở châu Âu và Mỹ như Đại học New York, Đại học Columbia... để đầu tư đào tạo sau khi tốt nghiệp nhưng không thường xuyên. Ngoài ra, một số hãng nha khoa quốc tế đã và đang tài trợ nhằm thúc đẩy mối quan hệ giữa các trường để nâng cấp trình độ của bác sĩ Việt Nam có thể cạnh tranh với Campuchia và Philippines.
 


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới