Hủy
Tài Chính

Điều hành chính sách tiền tệ không phải là đôi đũa thần

Nhật Lệ Thứ Tư | 26/07/2023 16:32

Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú phát biểu kết luận Hội thảo. Ảnh: Mạnh Thắng/NHNN.

Đó là chia sẻ của Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú tại Hội thảo “Tăng khả năng hấp thụ vốn cho doanh nghiệp”.
 

Tại Hội thảo, Phó Thống đốc Đào Minh Tú chỉ ra nguyên nhân tín dụng tăng trưởng đầu năm đến nay chỉ tăng 4,73% so với cuối năm 2022, bằng một nửa so với tốc độ tăng trưởng cùng kỳ, trong bối cảnh cơ chế, chính sách không có gì thay đổi.

 

Theo Phó Thống đốc, có thể thấy, nguyên nhân xuất phát từ những khó khăn chung của nền kinh tế khi bối cảnh thế giới và trong nước đều có nhiều biến động. 8 khó khăn có thể nêu đó là: cầu đầu tư và tiêu dùng trong nước lẫn quốc tế đang giảm; từ cầu giảm dẫn đến tồn kho của hàng hóa, dẫn đến cả ngân hàng và doanh nghiệp đều trong tình trạng “tồn kho”; các chính sách nói chung và đặc biệt một số chính sách có ý nghĩa tác động hỗ trợ cho doanh nghiệp hiện nay phần nào còn cầm chừng, một số chính sách còn hạn chế kể từ trung ương đến chính quyền địa phương; công tác truyền thông cần đẩy mạnh, chính sách phát triển thị trường, tài khóa, phát triển thị trường… chưa thực sự đồng đều; nhìn nhận đi sâu vào mối quan hệ doanh nghiệp và ngân hàng và cả doanh nghiệp với nhau vẫn còn vấn đề về niềm tin; bản thân các doanh nghiệp cũng còn rất hạn chế, khó khăn trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt vấn đề minh bạch dòng tiền minh bạch báo cáo tài chính của doanh nghiệp cũng vẫn là một trong những tồn tại, vì vậy việc chuyển từ trạng thái cho vay bằng tài sản đảm bảo sang quản lý bằng dòng tiền của ngân hàng gặp khó; thị trường bất động sản đang trầm lắng khiến tín dụng cũng trầm lắng theo, bên cạnh đó, thị trường trái phiếu cũng đang không kéo được thị trường vốn ngắn hạn đi cùng.

Phó Thống đốc nhấn mạnh, đối với riêng ngành ngân hàng, những khó khăn nêu trên cũng đã tác động đến nhiều mặt hoạt động nhưng Ngân hàng Nhà nước đã tích cực đưa ra các giải pháp có tính khả thi, điều hành và xử lý những vấn đề có tính chất ngắn hạn trước mắt, góp phần không để xảy ra câu chuyện doanh nghiệp đổ vỡ, cắt giảm lao động dẫn đến câu chuyện thất nghiệp tăng lên kéo theo vấn đề xã hội. Tuy nhiên, điều hành chính sách tiền tệ không phải là đôi đũa thần hay đúng ngay cả khi lãi suất giảm thì nó cũng chỉ là một công cụ để hỗ trợ doanh nghiệp chứ không thay thế được tất cả những chính sách khác. Nếu quá dựa vào chính sách tiền tệ, trong ngắn hạn có thể giải quyết được khó khăn của doanh nghiệp nhưng trong trung và dài hạn, đôi khi chỉ vài năm sẽ bộc lộ bất ổn về nợ xấu, an toàn hệ thống.

 

Trong thời gian tới, chính sách tiền tệ vẫn nhận thấy trách nhiệm và thể hiện quyết tâm cao nhất, đó là vẫn sẽ sử dụng linh hoạt hơn nữa các công cụ mà Ngân hàng Nhà nước có để điều tiết thị trường như vấn đề cung ứng thanh khoản cho nền kinh tế, sử dụng quỹ dự trữ ngoại hối để đảm bảo vấn đề tỉ giá. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục giảm lãi suất nhưng phải hài hòa, không thể chỉ vì những mục tiêu trước mắt mà để lại hậu quả dài hạn. Nhưng quan điểm trong điều hành, nếu có điều kiện, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục hạ lãi suất. Với ngân hàng thương mại sẽ tiếp tục tiết giảm chi phí, giảm các khoản có thể để qua đó hạ lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp. Ngoài ra, trong điều kiện chính sách của Fed và một số nước đã giảm nhiệt, với dự trữ ngoại hối hiện nay, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục làm chủ được thị trường tỉ giá và tiếp tục mục tiêu giữ ổn định tỉ giá.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục đẩy mạnh những chương trình tín dụng chính sách tiêu dùng, đặc biệt chính sách an sinh xã hội để giải quyết vấn đề tâm lý thị trường và đời sống. Đây là giải pháp rất hiệu quả và thiết thực lúc này.

Có thể bạn quan tâm 

Câu chuyện 1.200 điểm của VN-Index

Nguồn Theo Ngân hàng Nhà nước


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới