Hủy
Công Nghệ

Hợp đồng điện tử: Bước đệm thúc đẩy chuyển đổi số

Hằng Đỗ Thứ Ba | 04/10/2022 14:52

Hướng đến mục tiêu có 50% doanh nghiệp sử dụng hợp đồng điện tử trong năm 2022 và hoàn thành kế hoạch chuyển đổi số của Chính phủ.
 

Tập đoàn công nghệ Bkav vừa trở thành một trong những đơn vị đầu tiên chính thức được cấp phép cung cấp dịch vụ chứng thực Hợp đồng điện tử. Nền tảng Bkav eContract cho phép mọi ký kết như hợp đồng, biên bản, chứng từ… giữa các doanh nghiệp, cá nhân có thể thực hiện mọi lúc mọi nơi chỉ bằng smartphone, không cần phụ thuộc máy tính.

Hiện nay, các doanh nghiệp đã được phép kê khai thuế và sử dụng hóa đơn qua mạng, song đa số các loại văn bản khác như hợp đồng, biên bản, chứng từ… thì vẫn phải thực hiện thủ công trên giấy. Điều này gây bất tiện và tốn kém chi phí in ấn, lưu trữ, cũng như thời gian chờ đợi chuyển phát.

“Bkav eContract giúp rút ngắn ít nhất 50% quy trình cung cấp hàng hóa, dịch vụ và tiết kiệm đến 80% chi phí cho doanh nghiệp và người dân. Nền tảng Bkav eContract cho phép doanh nghiệp, cá nhân có thể ký kết các văn bản này qua mạng, mọi lúc mọi nơi chỉ bằng smartphone”, ông Nguyễn Khơ Din - Tổng Giám đốc Công ty Nền tảng Chuyển đổi số SME, thành viên Tập đoàn công nghệ Bkav cho biết.

Phát triển và ứng dụng Hợp đồng điện tử trong xã hội là mục tiêu quan trọng trong kế hoạch chuyển đổi số của Chính phủ. Hướng đến năm 2025, 80% doanh nghiệp ứng dụng Hợp đồng điện tử và 2030 đạt 100% doanh nghiệp ứng dụng Hợp đồng điện tử.  

Theo Bộ Công Thương, hợp đồng điện tử hiện được áp dụng phổ biến trong giao dịch xuyên biên giới, xuất - nhập khẩu. Đặc biệt, từ khi dịch Covid-19 bùng phát, xu hướng giao dịch không tiếp xúc trở nên phổ biến, các doanh nghiệp đã dần chuyển từ sử dụng hợp đồng, chứng từ bằng giấy sang hợp đồng, chứng từ điện tử. Con số 33% doanh nghiệp được khảo sát đã ứng dụng hợp đồng điện tử trong hoạt động thương mại được Sách trắng Thương mại điện tử Việt Nam 2021 nêu ra càng khẳng định xu hướng này.

Thời gian qua, hành lang pháp lý cho việc phát triển hợp đồng điện tử tại Việt Nam đã được hoàn thiện khi Chính phủ đã ban hành Nghị định số 85/2021/NĐ-CP ngày 25/9/2021 quy định chi tiết về hoạt động cung cấp dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử. Các thông tư hướng dẫn về quy chế hoạt động cung cấp dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử; hình thức công bố danh sách các thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử tại Việt Nam cũng được Bộ Công Thương ban hành đầu năm nay.

Tháng 6 vừa qua, Bộ Công Thương đã ra mắt Trục phát triển hợp đồng điện tử Việt Nam (tại địa chỉ www.CeCA.gov.vn) nhằm hỗ trợ các tổ chức chứng thực hợp đồng điện tử vận hành dịch vụ đăng ký theo quy định. Bộ cũng đã xây dựng các giải pháp hỗ trợ bên thứ ba như: Ngân hàng, kiểm toán, cơ quan thuế... kiểm tra, xác thực giá trị của hợp đồng điện tử.

Hiện nay, Bkav đã xây dựng được một hệ sinh thái đầy đủ các sản phẩm từ Chữ ký số, Thuế điện tử TVAN, BHXH điện tử IVAN, Hóa đơn điện tử eHoadon và Hợp đồng điện tử eContract... Hàng loạt các thương nổi tiếng đang sử dụng các sản phẩm của Bkav như Tập đoàn Hoa Sen, Tập đoàn Sơn Hà, Tập đoàn Bitexco, Tân Hiệp Phát, VnDirect…

Bkav đã triển khai hợp đồng điện tử được hơn 3 năm nay và đã giúp tập đoàn mỗi năm tiết kiệm 70% chi phí về in ấn, chuyển phát, quy trình cung cấp sản phẩm cho khách hàng được rút ngắn 50% thời gian so với khi chưa  áp dụng hợp đồng điện tử.

Có thể thấy, việc số hóa quy trình ký kết hợp đồng sẽ là nhu cầu thiết yếu trong tương lai gần. Đây chính là bước đệm để các doanh nghiệp bắt nhịp với xu thế chuyển đổi số toàn cầu.


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới