Hủy
Thế giới

Cựu Thủ tướng Thái Lan Yingluck đứng trước mức án 10 năm tù

Thứ Sáu | 20/02/2015 21:00

Bà Yingluck Shinawatra bị buộc tội liên quan đến chương trình thu mua và trợ giá gạo đã gây thiệt hại gần 20 tỷ USD cho Thái Lan.
 

Trong những ngày đầu năm mới Ất Mùi, cựu Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra tiếp tục đứng trước những thông tin không tốt lành. Tuy nhiên, nữ Thủ tướng đầu tiên của Thái Lan và là người Thái gốc Hoa này đã quyết định đối mặt với những thách thức bất lợi nếu tòa thượng thẩm chấp nhận thụ lý vụ án do Văn phòng Tổng chưởng lý trình cáo trạng truy tố.

Ông Norawit Laleng, luật sư của cựu Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra vừa cho biết, thân chủ của mình sẽ có mặt tại tòa thượng thẩm Thái Lan nếu tòa tuyên bố thụ lý vụ án.

Bà Yingluck Shinawatra trong một phiên bỏ phiếu bất tín nhiệm khi đang đương chức (Ảnh: Xuân Sơn)

Cáo trạng truy tố do Tổng chưởng lý trình lên tòa thượng thẩm vào ngày 19/2 dựa trên bộ luật hình sự với cáo buộc làm trái quy định nhà nước trong nhiệm vụ điều hành đất nước và dựa trên luật phòng chống tham nhũng với cáo buộc thiếu trách nhiệm trong quản lý làm nảy sinh các vụ tham nhũng trong chương trình thu mua và trợ giá gạo cho nông dân. Nếu bị kết án, bà Yingluck đứng trước án tù tối đa 10 năm và án phạt hơn 6.000 USD.

Hiện tòa thượng thẩm Thái Lan đang tiến hành các thủ tục theo luật định sau khi chấp nhận cáo trạng mà không cần phải xem xét lại chứng cứ bởi trong cơ cấu tòa thượng thẩm Thái Lan có một cơ cấu riêng là bộ phận xét xử hình sự đối với các nhà chính trị cấp cao.

Theo đó, trong vòng 14 ngày (làm việc) kể từ khi nhận cáo trạng, tòa sẽ thành lập đoàn thẩm phán 9 người để xem xét có thụ lý vụ án hay không. Chậm nhất là ngày 19/3/2015, đoàn thẩm phán sẽ quyết định có tiến hành thủ tục sơ thẩm hay không và nếu có sẽ bắt đầu với phiên điều trần với sự có mặt của bị cáo mà không được ủy nhiệm. Cáo trạng của Tổng chưởng lý cũng không đề cập việc phản đối bảo lãnh cũng như phản đối việc ra nước ngoài của bị cáo.

Phe Áo Đỏ hiện chưa có phản ứng với những diễn biến bất lợi của bà Yingluck Shinawatra (Ảnh: Xuân Sơn)

Tuy nhiên, trong một tuyên bố mới đây, Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha lại cho rằng, nếu bà Yingluck muốn ra nước ngoài thì phải có đề nghị của Tổng chưởng lý gửi lên Ủy ban Bảo vệ Trật tự quốc gia (NCPO). Đây là cơ cấu quyền lực cao nhất tại Thái Lan hiện nay do Thủ tướng Prayuth Chan-ocha làm Chủ tịch.

Như vậy, với cáo trạng hơn 4.000 trang đựng trong 20 thùng tài liệu mà tòa thượng thẩm Thái Lan có trong tay, số phận của bà Yingluck đang trong tình trạng rất tồi tệ khi mà trước đó, Ủy ban Phòng chống tham nhũng Thái Lan cho biết, chương trình thu mua và trợ giá gạo đã gây thiệt hại gần 20 tỷ USD cho Thái Lan.

Trước đó, ngày 23/1, bà Yingluck đã bị cấm hoạt động chính trị trong vòng 5 năm sau khi Hội đồng lập pháp Thái Lan bỏ phiếu bãi nhiệm bà Yingluck theo đề nghị của Ủy ban phòng chống tham nhũng quốc gia. Hiện lực lượng Áo Đỏ đồng minh của bà Yingluck chưa có phản ứng rõ ràng về quyết định chấp nhận cáo trạng của Tổng chương lý trong khi thiết quân luật tiếp tục được duy trì tại Thái Lan từ khi quân đội ban bố ngày 20/5/2014, trước hai ngày thực hiện cuộc đảo chính quân sự (22/5).

Nguồn VOV


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới