Hủy
Tài Chính

Nhìn xa hơn, Việt Nam có nhiều cơ hội hơn là thiệt hại từ virus corona

Vũ Hạo Chủ Nhật | 23/02/2020 14:31

Ảnh: Dân trí.

Từ những ngày đầu năm, dòng vốn của nhà đầu tư nước ngoài đổ vào và thị trường chứng khoán Việt Nam cũng hồ hởi đón đầu làn sóng này.
 

Nhưng “niềm vui ngắn chẳng tày gang”, chưa được bao lâu thì virus corona xuất hiện.

Thị trường chứng khoán Việt Nam khởi đầu năm 2020 bằng đà tăng mạnh lên ngưỡng 990 điểm và nhà đầu tư nước ngoài liên tục mua ròng. Cụ thể, tính đến phiên giao dịch 24/01/2020, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng tổng cộng 2.117,22 tỷ đồng. Những tưởng đó sẽ là món quà để nhà đầu tư yên vui ăn tết, nhưng rồi virus corona bất chợt xuất hiện và làm đảo lộn mọi tính toán của doanh nghiệp và nhà đầu tư.

Nguồn: Mirae Asset
Nguồn: Mirae Asset

Thời điểm virus bùng phát cũng khởi đầu cho chuỗi ngày nhà đầu tư nước ngoài bán ròng mạnh từ sau tết cho đến nay. Trong 2 tuần qua, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng hơn 1.500 tỷ đồng, đồng thời kéo giá trị nước ngoài mua ròng lũy kế từ đầu năm về mức -104,17 tỷ đồng.

Top 10 cổ phiếu mua/bán ròng mạnh nhất. Nguồn: Mirae Asset.
Top 10 cổ phiếu mua/bán ròng mạnh nhất. Nguồn: Mirae Asset.

Tại một hội thảo diễn ra vào ngày 22/02/2020, ông Huỳnh Minh Tuấn, Giám đốc môi giới tại Mirae Asset Việt Nam, nhận định khối ngoại bán ròng sau tết là do lo ngại về sự bùng phát của virus corona, trong đó bán ròng tập trung vào các cổ phiếu vốn hóa lớn như VIC, MSN, VNM, NVL... và chủ yếu đến từ các quỹ chỉ số. 

Tuy nhiên, ông Tuấn cũng lưu ý khối ngoại bán ròng nhưng không có nghĩa là dòng vốn đang tháo chạy khỏi Việt Nam. Thay vào đó, các nhà đầu tư nước ngoài đang tiến hành tái cơ cấu danh mục theo hướng phòng thủ và tăng lượng tiền mặt trong lúc khó khăn. Ngoài lý do tái cơ cấu danh mục, các quỹ còn đang tiến hành tái định giá lại và điều chỉnh lại danh mục. Chẳng hạn như các quỹ đánh giá lại sau thương vụ sáp nhập Vincommerce và Vineco vào Masan và bản thân VIC cũng trải qua các đợt tái cơ cấu lớn.

Về tác động của virus corona, ông Tuấn cho rằng sự bùng phát của virus mới đang tác động xấu đến nhiều ngành nghề như ngành hàng không, bất động sản, du lịch và khách sạn, F&B (Food&Beverage).

Thật vậy, theo ước tính của tổ chức Hiệp hội Hàng không Vận tải hàng không Quốc tế (IATA), ngành hàng không thế giới có thể tổn thất 29 tỷ USD. Trong khi đó, tại Việt Nam, Vietnam Airlines cho biết mỗi tuần hãng hàng không này thiệt hại khoảng 250 tỷ đồng doanh thu.

Tuy nhiên, theo ông, hàng không không phải là ngành bị tác động nhất mà là ngành F&B, điển hình là Sabeco. Vừa “choáng váng” trước nghị định 100 về quy định uống rượu bia, nay Sabeco lại hứng chịu thêm cú sốc từ dịch Covid-19. Việc bị ép chặt giữa hai gọng kìm này khiến doanh thu và cổ phiếu Sabeco lao dốc mạnh trong thời gian vừa qua.

Xét về tác động đến nền kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự báo, trong trường hợp khống chế được dịch trong quý 1/2020 thì tăng trưởng của nước ta dự báo là 6,25%, giảm 0,55 điểm % so với Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ.

Trường hợp dịch được khống chế trong quý 2/2020 thì tăng trưởng của ta dự báo là 5,96%, giảm 0,84 điểm % so với Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ và giảm 0,29 điểm % so với kịch bản khống chế được dịch trong quý I/2020.

“Trong nguy có cơ”

 

Dù rằng sự bùng phát của virus corona được xem là thảm kịch nhân loại gây ra cái chết cho hơn 2.000 người và tác động nặng nề đến nhiều lĩnh vực, nhưng đâu đó trong bức màn bi quan mà virus corona phủ bóng vẫn còn có cơ hội để một số nhóm cổ phiếu tỏa sáng.

“Nhìn xa hơn, chúng ta có cơ hội tốt hơn so với thiệt hại”, ông Tuấn nhận định.

Cụ thể hơn, vị chuyên gia này cho rằng cơ hội đầu tư xuất hiện tại những ngành, những doanh nghiệp có triển vọng phục hồi.

Trong bối cảnh bị tác động mạnh như hiện nay, Chính phủ thường phải hỗ trợ nền kinh tế thông qua 2 công cụ chính sách tài khóa và tiền tệ.

Trước đây, khi thực hiện chính sách tiền tệ nới lỏng trong cuộc khủng hoảng năm 2008-2009, kết quả là lạm phát và lãi suất tăng rất mạnh, thanh khoản cũng cạn kiệt – một hệ quả không mấy tốt đẹp. Do đó, ông nhận định ở những giai đoạn khó khăn như thế này, Chính phủ thường sử dụng tới công cụ chính sách tài khóa để đầu tư vào những ngành cần vốn lớn, cần năng lực điều tiết của Chính phủ và thường những ngành được đầu tư nhiều nhất là cơ sở hạ tầng. Vị chuyên gia này cũng dẫn chứng câu chuyện của Trung Quốc trong cuộc khủng hoảng 2008-2009 – thời điểm Trung Quốc đầu tư mạnh vào hạ tầng.

Theo tính toán sơ bộ của ông Tuấn, tổng đầu tư hạ tầng và tài chính công lên đến hơn 500 nghìn tỷ.

Bên cạnh đó, ông cũng đề cập đến ngành du lịch. Khi khách du lịch đến Trung Quốc giảm mạnh và Việt Nam kiểm soát dịch khá tốt, Việt Nam có thể nhân cơ hội này để trở thành trung tâm du lịch ở Đông Nam Á.

Và trong bối cảnh tình trạng sản xuất tại Trung Quốc ngưng trệ vì dịch virus corona, Việt Nam sẽ là địa điểm đến tin cậy của các dòng vốn tìm kiếm nơi sản xuất thay thế. Ngành được hưởng lợi sẽ là bất động sản khu công nghiệp và bất động văn phòng cho thuê.

Nhấn mạnh đến việc nhiều doanh nghiệp Việt Nam còn phụ thuộc vào nguồn cung từ Trung Quốc, ông Tuấn cho rằng sự bùng phát của virus corona chính là cơ hội để Việt Nam tái cấu trúc lại và tránh phụ thuộc quá nhiều vào nguồn cung nguyên vật liệu từ Trung Quốc, nâng năng lực sản xuất tự chủ.


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới