Hủy
Kinh Doanh

Hàng không tái cơ cấu lại đội bay

Thái Bình Thứ Ba | 16/06/2020 09:55

Vietnam Airlines đang trong quá trình hoàn tất thương vụ nhận chuyển giao toàn bộ phần vốn tại Jetstar Pacific.

Vietnam Airlines sẽ tái cơ cấu Jetstar trong đó có thay đổi tên thành Pacific Airlines, đồng thời giữ 98% cổ phần của hãng bay này.
 

Trước tình hình tài chính đang đối mặt với nguy cơ "cạn kiệt" nguồn tiền do tác động của dịch COVID-19, khoản lỗ của Hãng Hàng không Quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines - VNA) đến thời điểm này đã xấp xỉ vốn điều lệ, khoảng 14.000 tỉ đồng. Vì vậy, Hãng đang phải tính đến 3 phương án kiến nghị Chính phủ được phép cho tăng vốn hỗ trợ sản xuất kinh doanh: Một là vay ưu đãi ít nhất 4.000 tỉ đồng; Hai là phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn thêm khoảng 12.000 tỉ đồng; Ba là được Chính phủ bảo lãnh phát hành trái phiếu doanh nghiệp kỳ hạn 10 năm, quy mô 10.000 tỉ đồng để thực hiện dự án đầu tư đội tàu bay giai đoạn 5 năm tới. 

Vietnam Airlines khẳng định, dù là phương án nào thì cũng phải dựa trên các nguyên tắc đảm bảo tính khả thi, có cơ sở pháp lý và không tạo thêm gánh nặng tài chính cho Hãng trong các năm tiếp theo.

Đáng chú ý, cũng liên quan đến kế hoạch tài chính, hiện Vietnam Airlines đang trong quá trình hoàn tất thương vụ nhận chuyển giao toàn bộ phần vốn tại Jetstar Pacific  (JPA) của Hãng hàng không Úc Qantas Airways.

Ngày 15.6, Vietnam Airlines cho biết đã thống nhất cùng Tập đoàn Qantas xúc tiến những thay đổi với Jetstar Pacific nhằm cải thiện hoạt động kinh doanh và khả năng sinh lời của hãng bay giá rẻ này. 

Theo đó, Jetstar sẽ tiến hành các thủ tục cần thiết để đổi tên thương hiệu thành Pacific Airlines, với logo và bộ nhận diện thương hiệu mới được truyền cảm hứng từ màu sắc chủ đạo của Vietnam Airlines.

Về kế hoạch bay quốc tế sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát, đại diện Vietnam Airlines cho biết Hãng sẵn sàng cho khai thác từ tháng 7 tới đây đến các thị trường Trung Quốc, Hồng Kông (Trung Quốc), Đài Loan (Trung Quốc), Nhật, Hàn Quốc và các nước ASEAN, ngay khi Chính phủ cho phép nối lại các đường bay. Đường bay châu Âu có thể sẽ nối lại vào cuối năm nay và mục tiêu đưa đường bay thẳng sang Mỹ vào khai thác thường lệ trong năm sau.

Dự kiến vào giữa tháng 7 tới đây, cái tên Jetstar Pacific sẽ không còn trên bản đồ bay của Việt Nam.
Dự kiến vào giữa tháng 7 tới đây, cái tên Jetstar Pacific sẽ không còn trên bản đồ bay của Việt Nam.

Cái tên Jetstar Pacific sẽ không còn trên bản đồ bay của Việt Nam

Theo báo cáo tài chính năm 2019, hãng hàng không giá rẻ Jetstar Pacific thực hiện gần 40.000 chuyến bay an toàn tuyệt đối 100% vận chuyển trên 6 triệu lượt khách với mức tăng trưởng ổn định số chuyến bay nội địa tăng 0,8%. Sau nhiều năm thua lỗ từ năm 2018 Jetstar Pacific đã bắt đầu có lãi sau khi tái cơ cấu cùng phối hợp thương hiệu kép với Vietnam Airlines.

Các biện pháp tiết kiệm, sử dụng hiệu quả chi phí đã giúp tổng chi phí giảm 17,6% so với kế hoạch, góp phần bảo đảm ổn định hoạt động vận tải hàng không tại Việt Nam. Theo đại diện của Vietnam Airlines, cuối năm 2011, Jetstar Pacific gặp nhiều khó khăn, lỗ lũy kế lên tới trên 2.400 tỉ đồng. Vào thời điểm đó, Jetstar Pacific có 7 máy bay với độ tuổi trung bình là 14,7 năm. Việc thua lỗ kéo dài, thậm chí không có đủ khả năng trả tiền nhiên liệu bay khiến Chính phủ đã tính đến phương án “giải tán” để cắt lỗ và giảm gánh nợ thị trường. Tuy nhiên, vào thời điểm đó, Bộ Tài chính đã báo cáo Thủ tướng về việc sáp nhập và nhấn mạnh đây là phương án khả thi nhất nhằm cứu Jetstar Pacific trước bờ vực phá sản.

Sau nhiều năm phát triển thương hiệu với tên Jestar Pacific Airlines, hãng hàng không này chính thức cải tổ và đổi tên thành Pacific Airlines với nhận diện thương hiệu mới.

Thương hiệu Jestar Pacific sẽ không còn trong bản đồ hàng không Việt Nam.
2 cổ đông lớn của Pacific Airlines là Tập đoàn Qantas và Vietnam Airlines sẽ tiếp tục xem xét, cân nhắc kế hoạch và lộ trình tái cấu trúc hãng hàng không. Ảnh: baomoi

Để vực Jetstar Pacific dậy, Chính phủ đã giao Vietnam Airlines tiếp nhận nguyên trạng phần vốn Nhà nước tại Jetstar Pacific, khi đó do Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) làm đại diện vốn chủ sở hữu.

Ông Trịnh Hồng Quang, Phó Tổng Giám đốc Vietnam Airlines, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Pacific Airlines cho biết: “Các hãng hàng không chi phí thấp đóng vai trò nhất định trong quá trình phục hồi ngành hàng không nói riêng và nền kinh tế nói chung.

Với việc đồng bộ hóa hệ thống bán và mạng bay, Pacific Airlines và Vietnam Airlines sẽ tăng cường hiệu quả khai thác, năng lực cạnh tranh trong cả phân khúc hàng không truyền thống lẫn chi phí thấp, vững vàng tiến vào giai đoạn phục hồi hậu COVID-19.

Ông Gareth Evans, Lãnh đạo cấp cao Tập đoàn Qantas, Tổng Giám đốc Tập đoàn Jetstar cho biết: “Trước một thị trường cạnh tranh gay gắt như Việt Nam và sự ngưng trệ nghiêm trọng của ngành hàng không do dịch COVID-19, chúng tôi cho rằng, đã đến lúc tận dụng lợi thế và tiềm lực của Vietnam Airlines tại thị trường nội địa”.

Đối mặt với những thách thức chung của ngành hàng không do dịch COVID-19 gây ra, 2 cổ đông lớn của Pacific Airlines là Tập đoàn Qantas và Vietnam Airlines sẽ tiếp tục xem xét, cân nhắc kế hoạch và lộ trình tái cấu trúc hãng hàng không chi phí thấp này, đồng thời thực hiện các thay đổi cần thiết liên quan đến cơ cấu cổ phần.


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới