Hủy
Phát triển bền vững

Giải pháp cho bức tranh tiêu dùng bền vững tại doanh nghiệp hàng tiêu dùng

Thùy Linh Thứ Tư | 28/09/2022 16:32

Bà Nguyễn Thị Bích Vân, Chủ tịch Unilever Việt Nam. Ảnh: PV.

Theo chia sẻ của Chủ tịch Unilever Việt Nam, một khi đã có tư duy phát triển bền vững thì bài toán kinh tế nào cũng có thể giải quyết.
 

Viễn cảnh tiêu dùng bền vững

Nguồn tài nguyên là hữu hạn, đặc biệt là những nguồn tài nguyên không thể tái tạo, như nhiên liệu hóa thạch. Trong khi đó nhu cầu tiêu dùng của con người thì vẫn duy trì, thậm chí là ngày càng tăng cao, đặc biệt là ở những thị trường mới nổi và khi dân số thế giới cũng ngày một tăng lên.

 

“Trung bình ước tính, cứ 10 đến 15 năm là Trái đất của chúng ta có thêm tầm 1 tỉ người. Đến năm 2050, con số này sẽ vào khoảng 10 tỉ người. Nhưng Trái đất thì không ‘nở’ to ra. Chúng ta chỉ có một hành tinh này để sinh sống và bảo vệ. Vậy nên tính cấp thiết trong việc thúc đẩy phát triển bền vững, điển hình là tạo ra những tác động tích cực đến môi trường – là điều tất cả chúng ta cần chung tay thực hiện ngay để ngăn chặn một cuộc khủng hoảng môi trường”, bà Nguyễn Thị Bích Vân, Chủ tịch Unilever Việt Nam chia sẻ. 

Một trong những giải pháp cho bức tranh tiêu dùng bền vững mà Unilever đang hướng tới chính là mô hình kinh tế tuần hoàn. 

Mô hình này giúp giải quyết từ những mối bận tâm cấp thiết trước mắt, cho đến những vấn đề trong dài hạn của tương lai, như giúp giảm sử dụng các nguồn nguyên liệu không thể tái tạo, cắt giảm khí nhà kính gây biến đổi khí hậu, giảm rác thải ra môi trường, cũng như thúc đẩy hoạt động kinh doanh hiệu quả và bền vững hơn. 

Vị Chủ tịch Unilever cũng nhấn mạnh, để giữ nhựa trong vòng tuần hoàn, chúng ta không chỉ góp phần bảo vệ môi trường, mà còn tạo ra nhiều công ăn việc làm cho xã hội. Có thể nói đây chính là mục tiêu kép, vừa tăng trưởng kinh tế, vừa thúc đẩy xã hội và môi trường phát triển – mà mọi doanh nghiệp ngày nay nên hướng đến. 

 

Tư duy là lời giải cho bài toán kinh tế

Khi được hỏi quan điểm về vấn đề nguồn lực vẫn là rào cản khi doanh nghiệp chuyển đổi sang mô hình kinh doanh tác động tốt tới môi trường và xã hội tại Việt Nam, bà Bích Vân nhấn mạnh: “Một khi đã có tư duy nghiêm túc về phát triển bền vững thì bài toán kinh tế nào cũng có thể giải quyết.”

Không thể phủ nhận khi có nhiều nguồn lực trong tay, chúng ta sẽ dễ dàng thực thi một kế hoạch, chiến lược, thậm chí là hiện thực hóa một sứ mệnh nào đó. Tuy nhiên, các nguồn lực – bao gồm cả vật lực, tài lực, nhân lực... chỉ là điều kiện cần, chứ chưa phải là yếu tố quyết định cho quá trình thực hiện và kết quả thực tế của tầm nhìn phát triển bền vững. 

Yếu tố quyết định ở đây chính là cam kết và quyết tâm của doanh nghiệp mong muốn được đóng góp và trở thành một nhân tố trong bức tranh lớn về phát triển bền vững của nền kinh tế và đất nước. Chỉ khi chúng ta hạ quyết tâm thì mới dẫn đến những hành động cụ thể.

Nếu bản thân doanh nghiệp có đủ nguồn lực để triển khai các chiến lược, sáng kiến phát triển bền vững, thì hành động ngay bây giờ của doanh nghiệp chính là nguồn động lực và trợ lực to lớn cho hành trình chung của đất nước. Nếu doanh nghiệp chưa thể tự triển khai, thì sự hợp tác chính là chìa khóa để mở ra cánh cửa phát triển bền vững, góp phần tạo ra giá trị chung. 

Có thể bạn quan tâm 

Biến rác thải thành "gia tài": Cơ hội nào cho chúng ta trong nền kinh tế tuần hoàn?


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới